Sáng 12/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ công bố và hội thảo khoa học Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”, mã số KC.16/24-30 (Chương trình Net Zero).
Sự kiện nhằm thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, viện/trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học… với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đổi mới và ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới các giải pháp chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Để phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30. Chương trình NetZero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đây là một trong những chương trình hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ phục vụ trực tiếp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam. Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
Theo Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh, 3 mục tiêu chính của Chương trình Net Zero gồm: Cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính; góp phần phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; góp phần nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ các-bon.
Chương trình kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ về thu giữ và lưu trữ các-bon; công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; các giải pháp quản lý, kỹ thuật phục vụ mục tiêu giảm phát thải, hướng tới chuyển đổi xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam để giảm đáng kể lượng phát thải của quốc gia, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh – Chủ nhiệm Chương trình KC.16/24-30 đã giới thiệu nội dung chính khung chương trình KC.16/24-30.
Các đại biểu nhất trí mục tiêu Net Zero là một thách thức lớn, nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này vào năm 2050. Sự kết hợp giữa chính sách, khoa học và công nghệ, cùng với sự hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Thu Hằng