Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, chiếm 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, trong đó có cả các nước phát thải lớn, đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net-zero. Đối với Việt Nam, để thực hiện mục tiêu phát thải các-bon ròng bằng không 0 vào năm 2050, không chỉ ở tầm vĩ mô, quốc gia, mà từng ngành, từng doanh nghiệp cần nhanh chóng hành động, sẵn sàng vào cuộc ngay từ bây giờ.
Xây dựng thị trường tín chỉ
Năm 2024, trên các phương tiện thông tin, lần đầu tiên khái niệm “bán tín chỉ các-bon” thành công được phổ cập tới công chúng. Theo đó, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng được thị trường giao dịch tín chỉ các-bon, và thông qua thị trường này góp phần tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Từ năm 2021, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã xác định rõ ràng bốn mục tiêu: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc công bằng.
Tại Chiến lược này, việc tăng trưởng xanh được xác định rõ ràng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải nhà kính để hướng tới mục tiêu cam kết Net-zero trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải cắt giảm tối thiểu hơn 563 triệu tấn khí CO2, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phải cắt giảm nhiều nhất.
Trong thực tế, tiến trình này bắt đầu từ năm 2023 với khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Việc kiểm kê, ghi chép đầy đủ, minh bạch số liệu đầu vào các loại nguyên liệu (như xăng, dầu, hao tốn điện năng…) chính là cơ sở để xác định hạn mức phát thải.
Từ đó, xây dựng được lộ trình để cắt giảm phát thải khí nhà kính, xác định chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Traphaco Nguyễn Duy Ký cho biết, với những doanh nghiệp tiên phong kiểm kê, có lộ trình giảm phát thải rõ ràng cần được các bộ, ngành và Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi vay ngân hàng, hay ưu tiên về thuế, để họ có nguồn lực vững chắc chuyển đổi xanh.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử các-bon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu, trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường này, Bộ Tài chính đang nhanh chóng nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần ứng dụng dễ dàng trong nền kinh tế.
Đối với thị trường các-bon trong nước, từ nay đến hết năm 2027, các bên liên quan sẽ tập trung xây dựng hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn vào năm 2028.
Ưu đãi cho công cuộc chuyển đổi
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh. Bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Trên thị trường hiện đã có các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, mặt trời. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đã đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền và Việt Nam hiện là thị trường phát hành nợ xanh đạt 1 tỷ USD, đứng thứ hai trong ASEAN chỉ sau Singapore. Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu.
Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường-xã hội-quản trị công ty (ESG).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như: phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.
Ngoài ra, hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường, thể hiện thông qua nhóm chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường… Nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu cũng đã được vận hành.
Đồng thời, Nhà nước đã ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải (tín chỉ các-bon) không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hóa nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế này. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước đã ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm như xăng sinh học, xe ô-tô thân thiện với môi trường…
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hằng năm đã được bố trí, bảo đảm đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,2% tổng chi ngân sách nhà nước, qua đó tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia,…
Sông Trà