Tại hội thảo “Chuyển dịch xanh: thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra ngày 28/3, ở thành phố Cần Thơ, bà Nguỵ Thị Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sáng tạo xanh Việt Nam (Green In), cho biết thị trường nhập khẩu đang ngày càng yêu cầu khắt khe hơn, nhất là đòi hỏi quá trình tạo ra sản phẩm phải không gây tác động đến môi trường.
Trong khi đó, ở trong nước, sau cam kết của Chính phủ tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu- PV) về đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, thì các quy định, chính sách đã được ban hành nhằm hiện thực hóa cam kết, như Nghị định 06 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Trên cơ sở của Nghị định 06, Quyết định 01 về “danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” đã được ban hành.
Theo đó, có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01. “Danh sách này (danh sách buộc phải kiểm kê khí nhà kính- PV) có khả năng sẽ tăng lên con số 3.000 như trong một dự thảo mới, dự kiến được ban hành trong năm 2024”, bà Giang cho biết.
Bên cạnh chính sách trong nước, theo bà Giang, chuyển đổi xanh đang trở thành “rào cản” thương mại được nhiều quốc gia trên thế giới dựng lên, tức sản phẩm Việt Nam muốn xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chí giảm phát thải trong quá trình sản xuất. “Hiện nay, xu thế chuyển dịch xanh và giảm phát thải đang trở thành yêu cầu cấp thiết trên toàn cầu và nó không còn là sự lựa chọn của doanh nghiệp nữa, mà là sống còn của doanh nghiệp”, bà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL), cho rằng phát thải khí nhà kính là nguyên nhân của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực ĐBSCL đang chịu tác động rất nặng nề. “Ngay thời điểm này, rất nhiều địa phương thiếu nước và hạn mặn, nhất là các khu vực đô thị, thành phố bắt đầu thấp dần so với mực nước biển”, ông dẫn chứng.
Từ vấn đề nêu trên, theo ông Lam, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức trách nhiệm tham gia và từng bước rà soát nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh doanh cho phù hợp. “Điều này (chuyển đổi xanh) dù tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ, phương thức sản xuất mới… nhưng cũng là cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông nói. Ông Lam cho rằng doanh nghiệp sẽ được bù lại bằng khai thác tín chỉ carbon và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi nhiều quốc gia yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chí xanh.
Bên lề hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật của Green In, cho biết, với COP26, Chính phủ cam kết giảm tối đa 30% khí metan vào năm 2030. Và bà cho rằng doanh nghiệp ĐBSCL phải có sự chuyển đổi nhằm đáp ứng cam kết của Chính phủ cũng như gia tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa sang các nước, nhất là với thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Theo bà, bên cạnh đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm như ASC, BAP…, việc có chứng nhận sản phẩm xanh, tức quá trình sản xuất ít gây phát thải khí nhà kính, cũng giúp bổ trợ cho doanh nghiệp rất lớn.
Để giảm phát thải, theo bà Hà, doanh nghiệp cần đánh giá, kiểm kê để xác định phát thải khí nhà kính ở đâu nhằm tìm ra giải pháp giảm phát thải phù hợp. “Với doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta phải thực hiện kiểm kê và lập giải pháp giảm phát thải thì chúng ta mới có thể mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản được”, bà nói.
Bà Hà cũng cho biết, quy định của pháp luật về danh mục phải kiểm kê, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện từ nay đến năm 2026, bao gồm việc kiểm kê và lập kế hoạch giảm phát thải để có thể tham gia thị trường carbon sẽ được triển khai theo quy định vào năm 2028.
Theo đó, với Nghị định 06 như nêu trên, danh mục cơ sở kiểm kê khí nhà kính sẽ phải thực hiện ở phạm vi 1 và phạm vi 2, tức phát thải trực tiếp và gián tiếp.
“Ví dụ, ở phạm vi 1 (phát thải trực tiếp) sẽ bao gồm tất cả các nguồn phát thải ở trong cơ sở do doanh nghiệp sở hữu như xăng dầu nếu như doanh nghiệp mua về để sở hữu. Còn với phạm vi 2 như doanh nghiệp mua điện từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)”, bà Hà dẫn chứng.
Vị đại diện Green In cho biết, việc kiểm kê được thực hiện theo lộ trình và từ năm 2024 các doanh nghiệp trong danh mục kiểm kê (1.912 doanh nghiệp) sẽ phải thực hiện với tần suất 2 năm 1 lần. “Từ năm 2026, các doanh nghiệp phải thực hiện lộ trình giảm phát thải, nghĩa là phải lập báo cáo giảm phát thải gửi đến các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để thẩm định, phê duyệt và bắt đầu triển khai giảm phát thải theo lộ trình”, bà Hà nói.
Theo bà, vấn đề nêu trên là việc làm chắc chắn doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải hết sức lưu ý để tuân thủ.
Trung Chánh