Ngày 28/3, tại Trường Đại học Trà Vinh diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về tín chỉ carbon tại Việt Nam do Trường Đại học Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Ngoại Thương và Diễn đàn Khoa học Việt Nam về Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (VSF-CCSD) tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự.
Hội thảo về thị trường tín chỉ carbon trong phát triển bền vững tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Mặc dù chúng ta đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới… nhưng có cùng mối quan tâm chung về biến đổi khí hậu.
Nhu cầu tín chỉ carbon của thế giới trong những năm gần đây ngày càng tăng cao, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường. Ở Việt Nam, phát triển thị trường tín chỉ carbon giúp nắm bắt cơ hội trong lộ trình thực hiện các cam kết giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để vận hành thị trường này hiệu quả, có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và đẩy mạnh công tác truyền thông.
“Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải theo hướng Net Zero carbon vào năm 2050 và thế giới đang áp dụng. Chúng tôi mong đợi các cuộc thảo luận và biện pháp hiệu quả nhằm đạt được tín chỉ carbon à thúc đẩy phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero carbon”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho hay.
Hội thảo là bức tranh toàn diện cho thấy mối quan hệ cộng sinh giữa các sáng kiến năng lượng tái tạo và thị trường carbon đang phát triển ở Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào hành trình quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững bằng cách xem xét kỹ lưỡng các chính sách quốc gia và quốc tế, bao gồm cả Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, nghiên cứu mô tả khuôn khổ thể chế cần thiết để tham gia thị trường carbon hiệu quả.
Với 16 chủ đề khác nhau được trình bày tại hội thảo xoay quanh phân tích nghiên cứu và công bố các biện pháp giảm thiểu phát thải carbon, nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong sản xuất tín chỉ carbon, cũng như cung cấp các sáng kiến và sự tham gia tích cực vào thị trường carbon tự nguyện tại Việt Nam.
Nhân dịp này, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý carbon và hệ thống thị trường carbon ở các nước trên thế giới, đồng thời phân tích những thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp gặp phải khi triển khai các biện pháp giảm phát thải và tham gia thị trường carbon, thảo luận các xu hướng tiếp cận, tiềm năng và thách thức của thị trường tín chỉ carbon (carbon credits) tại Việt Nam,…
Thông qua hội thảo các chuyên gia mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thực tiễn, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, định vị chính mình trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế ít carbon.
Tín chỉ carbon được tạo ra với ý tưởng tạo động lực tài chính giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Các cá nhân, công ty và chính phủ có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải nhà kính hoặc bán chúng để thu được lợi ích tài chính.
Tín chỉ carbon lần đầu tiên được nêu trong Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005. Kể từ đó, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu phát triển nhanh chóng và đạt 3 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt được chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và tận dụng lợi thế tài chính từ thị trường tín chỉ carbon toàn cầu để phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đã và đang hướng tới xây dựng thị trường tín chỉ carbon quốc gia đến năm 2025, hướng tới xuất khẩu tín chỉ carbon vào năm 2027.
Minh Đảm