Việt Nam đang theo đuổi một mục tiêu tham vọng lớn hơn tiềm lực kinh tế hiện tại khá nhiều – chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu có đủ quyết tâm thì Việt Nam sẽ làm được – giống như ngành dệt may của Bangladesh.
Liều thuốc đắng cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, dù không muốn vẫn buộc phải thừa nhận, đến từ câu chuyện thành công của Bangladesh. Trái ngược với tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta ở vị trí thứ 2 trên bản đồ xuất khẩu dệt may toàn cầu, lại “đang làm không kịp nghỉ”. Có rất nhiều yếu tố khiến Bangladesh đứng vững trong cơn suy thoái chung của thị trường, trong đó không thể không kể đến việc áp dụng “tiêu chuẩn xanh”.
Chỉ trong khoảng 10 năm, bỏ lại đằng sau tai tiếng về vấn nạn lao động trẻ em, an toàn lao động…, ngành dệt may Bangladesh đã có một gương mặt mới với số lượng nhà máy may mặc thân thiện với môi trường nhiều nhất thế giới. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, nước này có 171 nhà máy được nhận chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) của Hội đồng Công trình xanh Mỹ, trong đó 54 nhà máy xếp hạng bạch kim (hạng cao nhất), 104 hạng vàng, 10 hạng bạc và 4 nhà máy khác vừa nhận chứng nhận LEED(1).
Duy trì lượng đơn hàng ổn định trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm là thành tựu đã được dự đoán của quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 vào châu Âu này, chỉ sau Trung Quốc. Nhu cầu mua sắm của phân khúc trung lưu và cao cấp ít chịu tác động của suy giảm kinh tế hơn. Trong 2-3 năm gần đây, theo khẳng định của một vị lãnh đạo hiệp hội dệt may Bangladesh, các đơn hàng của nước này có giá thành cao và giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, theo dự đoán mới đây của Nikkei Asia, ngôi vương của Trung Quốc rất có thể sẽ lọt vào tay Bangladesh do xu hướng tránh phụ thuộc vào đất nước tỉ dân đang ngày càng rõ nét. Rất khác với Việt Nam, chuỗi giá trị dệt may của Bangladesh hoàn chỉnh, từ sợi cho tới dệt, may, nên khi vươn lên vị trí số 1 thì lợi ích mang lại cho nền kinh tế Bangladesh sẽ lớn và thực chất hơn.
Bài học ở đây là một tầm nhìn xanh, điều mà Việt Nam đã có. Nhưng Bangladesh gắn cuộc chuyển đổi xanh với ngành kinh tế chiếm tới 80% xuất khẩu và đóng góp 30% GDP của nước này. Tư duy về xu hướng đã đi trước nhu cầu của thị trường đích, vì thế, chuyển đổi xanh đã tạo nên tăng trưởng xanh, với chất lượng cao hơn trước.
Việt Nam đã cam kết sẽ giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Vì thế, chuyển đổi xanh phải được thực hiện trước hết ở các ngành xuất khẩu chủ lực, tạo ra nguồn lực tiếp tục đầu tư cho việc chuyển đổi ở các ngành, các lĩnh vực khác. Nguồn lực tài chính luôn là vấn đề đầu tiên, tuy nhiên, ngoài việc phát triển tài chính xanh, chúng ta còn có thể nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức hợp tác kinh tế trên thế giới, miễn là có một lộ trình rõ ràng và khả thi.
Quy mô của doanh nghiệp với đại đa số là nhỏ và vừa khiến quá trình chuyển đổi phức tạp hơn, trừ khi chúng ta tạo ra mô hình phù hợp đối với doanh nghiệp dạng này như Bangladesh đã làm được với ngành dệt may, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng.
Quá trình chuyển đổi xanh, nếu quyết tâm thực hiện và giữa lúc nhu cầu toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế đối diện với nhiều khó khăn. Phát triển sản phẩm nào, tại thị trường nào và vào thời điểm nào là bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng, đi cùng với đó là công tác xúc tiến thương mại. Giá thành cạnh tranh sẽ đạt được khi sản xuất khối lượng đủ lớn, hoặc hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước.
Việc chuyển đổi xanh ở Việt Nam chắc chắn có sự đồng hành của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây vừa là động lực và cũng là áp lực cho Chính phủ Việt Nam
Tại buổi tiếp xúc giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 22/4 vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết việc chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng sạch và tái tạo đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.
Đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, tái tạo cũng như tìm kiếm nguồn năng lượng xanh để sử dụng đang là một trong những ưu tiên của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời cũng tạo điều kiện giúp cho rất nhiều ngành công nghiệp khác trở nên “xanh” hơn.
Tuy nhiên, những ách tắc kéo dài mà các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đối mặt suốt trong mấy năm qua cũng cho thấy một thực tế, rằng mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi xanh của Việt Nam còn rất thấp.
Hoàng Hạnh