Chiều 7/7, Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp chủ đề “Hướng tới phát triển xanh và bền vững” do Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết phát triển xanh và bền vững là mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của cả Việt Nam và Pháp.
Việt Nam đang thu hút đầu tư cho phát triển xanh bền vững, phù hợp với lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, trong khi Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây chính là tiền đề để hai nước tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên phát triển quan hệ kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông Nicholas Warnery, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2022, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng gấp 5 lần và đạt 16 tỷ euro.
Các công ty lớn nhất của Pháp, cùng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có mặt tại Việt Nam, trong khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam – trước hết là FPT và VinFast – đang hoạt động đầu tư tại Pháp.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện thực hóa cam kết Net Zero, trước hết là loại bỏ dần năng lượng hóa thạch. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang tham gia vào việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trên mạng lưới điện Việt Nam; khu vực tư nhân cũng có nhiều hoạt động đầu tư liên quan đến giảm phát thải, tăng trường xanh.
Trước vấn đề biến đổi khí hậu và phát thải được nêu ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới danh mục đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng xanh, carbon thấp, có sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; các dự án đầu tư phải cam kết toàn cầu về khí hậu và môi trường.
Thứ trưởng cũng nêu cụ thể cần thúc đẩy đầu tư và thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đóng vai trò động lực cho quá trình chuyển đổi: năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, phát triển công nghệ xanh, từng bước loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học phía Pháp cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp, hỗ trợ phát triển tài chính xanh, chuyển đổi việc làm trong nền kinh tế xanh.
Đối với lĩnh vực năng lượng, Pháp đã và đang đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, với mục tiêu đạt được 40% sản lượng điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải bền vững, Chính phủ Pháp hỗ trợ phương tiện tiêu thụ điện và phát triển cơ sở hạ tầng để đạt 35% doanh số bán ô tô chở khách chạy bằng điện hoặc hydro mới vào năm 2030 và 100% vào năm 2040.
Chính phủ Pháp khuyến khích cải thiện hiệu suất năng lượng của các phương tiện hạng nhẹ và hạng nặng, sử dụng ít nhiên liệu đốt hơn (với mục tiêu 4 lít/100km vào năm 2030 đối với phương tiện cá nhân sử dụng động cơ đốt trong).
Về nền kinh tế tuần hoàn và “khử” carbon trong các ngành công nghiệp, Chính phủ Pháp yêu cầu doanh nghiệp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm giảm tác động tới môi trường: bắt buộc sản phẩm điện và điện tử tiêu dùng phải có khả năng sửa chữa, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa sản phẩm với các phụ tùng thay thế sẵn có…
Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp đạt 5,3 tỷ euro, tăng 10% so với năm 2021. Lũy kế đến hết quý I/2023, các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư hơn 3,8 tỷ USD thông qua 673 dự án tại Việt Nam.
Pháp hiện là quốc gia đầu tư nguồn vốn FDI lớn thứ 2 đến từ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Quốc gia này được đánh giá là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam.
Văn Hưng