Trong suốt nhiều thập kỷ qua, than và thủy điện là hai nhân tố thống lĩnh nền công nghiệp năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành năng lượng trong những năm gần đây đã có thay đổi về mặt cơ cấu với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhận thức quan trọng: năng lượng bền vững không còn là giải pháp thay thế tốn kém mà là một lựa chọn khả thi về mặt tài chính.
Được thiên nhiên ưu đãi với thời gian chiếu sáng lớn và nguồn tài nguyên gió biển dồi dào, Việt Nam nhận ra vị trí đắc địa của mình trong cuộc cách mạng tái tạo năng lượng này. Tuy nhiên, thách thức liên quan đến việc tích hợp các nguồn tái tạo vào lưới điện hiện tại và điều chỉnh các quy định vẫn là những bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra.
Xúc tác cho những chuyển đổi
Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam là sự tiến bộ về công nghệ. Các tấm pin năng lượng mặt trời hiện đại đã có bước tiến dài so với trước đây, mang lại hiệu quả cao hơn với chi phí thấp hơn đáng kể. Tua bin gió cũng đã dần trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, thích hợp với đa dạng các điều kiện gió khác nhau.
Trong cam kết thúc đẩy tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đã nhất quán triển khai nhiều cơ chế chính sách khác nhau để khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trọng tâm của những hướng đi này là Giá ưu đãi đầu vào (gọi tắt là FITs), một sáng kiến quan trọng được triển khai nhằm thúc đẩy đầu tư cho công nghệ tái tạo năng lượng. Bằng cách đưa ra mức giá bảo đảm và cố định cho năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo, FITs đã trở thành công cụ thu hút vốn đầu tư. Cách tiếp cận này đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong ngành, cụ thể, công suất điện gió lắp đặt của Việt Nam đạt 600 MW và công suất điện mặt trời tăng vọt lên 17,6 GW vào cuối năm 2020.
Khi Việt Nam bắt đầu tăng tốc trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, sự hỗ trợ từ các đối tác toàn cầu như Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) chính là một tài sản quý báu. Cam kết của GEAPP trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam, ngoài ra còn hỗ trợ thêm thông qua việc chia sẻ kiến thức và đầu tư vào các lĩnh vực chính yếu. Bằng cách làm việc song song với nhiều đối tác liên quan bao gồm cả GEAPP, Việt Nam có thể thu hút được nguồn lực đầu tư và nâng cao kiến thức chuyên môn để tiếp tục cuộc cách mạng tái tạo năng lượng của mình.
Tính kinh tế theo quy mô: Con đường tối ưu chi phí
Một trong những yếu tố chính giúp giảm chi phí năng lượng tái tạo ở Việt Nam là tính kinh tế theo quy mô. Khi các dự án năng lượng tái tạo tăng về quy mô và số lượng, chi phí trên mỗi đơn vị năng lượng sản xuất sẽ giảm. Thực tế này được minh họa bởi các dự án trang trại năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn mọc lên khắp cả nước. Đơn cử như Dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng với trang trại quang điện rộng hơn 500 ha tạo nên nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đã cho ra tổng công suất phát điện là 600 MWp/500 Mwac, minh chứng cho hiệu quả chi phí mà các dự án tái tạo quy mô lớn có thể đạt được.
Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng nổi bật với những câu chuyện thành công, thể hiện được tham vọng và năng lực của đất nước. Ví dụ, Trang trại gió Trung Nam là minh chứng cho tiềm năng của các hệ thống năng lượng tái tạo lai. Bằng cách kết hợp năng lượng mặt trời và năng lượng gió, dự án này tối đa hóa sản lượng năng lượng, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định và đáng tin cậy hơn.
Những thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài phản ánh niềm tin ngày càng tăng vào các chiến lược năng lượng của đất nước, biểu trưng cho sự công nhận lẫn động lực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới hơn nữa.
Những cơ hội chờ đón trước mắt
Lưới năng lượng Việt Nam vốn được thiết kế để sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống nên hiện tại đang gặp khó khăn trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo biến động. Để giải quyết vấn đề này, cần triển khai Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) nhằm đưa ra giải pháp quản lý sự không liên tục của các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Đồng thời, nhằm duy trì đà tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo, cần đưa ra hướng giải quyết các thách thức pháp lý và đảm bảo nguồn đầu tư tài chính cần thiết.
Khi lĩnh vực này mở rộng, nhu cầu về nhân sự ngày càng tăng cao, cụ thể là cần những chuyên gia biết quản lý và cải tiến các hệ thống năng lượng tái tạo phức tạp, đồng thời có chuyên môn về BESS.
Ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã sẵn sàng để tiếp tục tăng trưởng. Cam kết của chính phủ nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng báo hiệu một sự thay đổi chiến lược dài hạn. Sự tham gia của Việt Nam vào buổi ra mắt hội nghị BESS gần đây tại COP28 cũng đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường hướng tới một tương lai “xanh” hơn, bền vững hơn.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Việt Nam không chỉ là nỗ lực của quốc gia; đó là ngọn hải đăng hy vọng cho các quốc gia đang còn đối mặt với những thách thức tương tự. Một thông điệp quan trọng cần được nhấn mạnh: việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững không chỉ là yêu cầu cấp thiết về môi trường mà còn là một cơ hội kinh tế. Khi thế giới tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho hai thách thức kép là an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, câu chuyện của Việt Nam mang đến nguồn cảm hứng to lớn và một con đường đi cho tương lai xanh hơn, bền vững hơn.
Như Loan