“Chìa khóa” chiến lược giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero
Từ đầu năm 2024, Chiến lược phát triển năng lượng hydro của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được ban hành, khẳng định hydrogen sẽ đóng vai trò then chốt trong hành trình đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Theo TS. Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, với lợi thế khí hậu, địa lý, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng này.
Theo TS. Trần Văn, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo – đầu vào quan trọng để sản xuất hydrogen. Cụ thể, cả nước có số giờ nắng trung bình từ 1.500-1.700 giờ/năm với cường độ bức xạ ổn định, trong khi năng lượng mặt trời trên mái nhà dự kiến chiếm 50% tổng công suất điện mặt trời vào năm 2030. Đặc biệt, nguồn tài nguyên gió của Việt Nam đạt tiềm năng lên tới 311 GW, trong đó, hơn 39% diện tích lãnh thổ có tốc độ gió vượt 6 m/s, tương đương công suất 512 GW.
Nhận thấy tầm quan trọng của hydrogen, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã ưu tiên nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ này, đồng thời triển khai các dự án thử nghiệm sản xuất và ứng dụng. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 100-500 nghìn tấn hydrogen, tăng lên 10-20 triệu tấn vào năm 2050, chiếm 5-10% tổng nhu cầu năng lượng cuối trong nước.
Hiện nay, hàng loạt dự án sản xuất hydrogen đang được đề xuất, trong đó, nhiều dự án gắn với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi. Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tài chính tập trung nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 650 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng xanh, 45% được dành cho năng lượng tái tạo, cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống tài chính.
Tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang được dự báo đạt 20%/năm trong 10 năm tới, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Báo cáo năm 2021 xếp Việt Nam đứng thứ 31 toàn cầu về mức độ thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. Với riêng lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, dự kiến có thể đóng góp 70-80 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 105.000 việc làm trực tiếp.
Phát triển năng lượng hydrogen còn được thúc đẩy bởi các chính sách đồng bộ. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 đã nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế tối đa nhiên liệu hóa thạch. Luật Điện lực đang được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung liên quan đến năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi và hydrogen.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững còn được thể hiện qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Trước đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đã ưu tiên đầu tư vào các dạng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Với chiến lược bài bản, chính sách hỗ trợ, cùng lợi thế thiên nhiên sẵn có, hydrogen được kỳ vọng không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero mà còn trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong những thập kỷ tới.
Động lực mới cho chuyển đổi xanh toàn cầu
Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, hydro đang nổi lên như một giải pháp chiến lược. TS. Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội – nhận định: “Thế giới quanh ta đang có những nỗ lực vượt bậc để phát triển hydro như một giải pháp năng lượng sạch, động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang các nguồn năng lượng bền vững với mục tiêu sản xuất hydro sạch chiếm 70% thị trường năng lượng toàn cầu vào năm 2050, cho thấy xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng hydro trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, hóa chất, vận tải… do hydro sẽ là sự lựa chọn hàng đầu để lưu trữ năng lượng, có thể vận chuyển từ nơi này qua nơi khác bằng các loại phương tiện, đường ống”.
Châu Âu đang dẫn đầu trong phát triển công nghệ hydro, dù đối mặt với thách thức về chi phí và năng lực sản xuất. Theo bà Stefanie Peters, thành viên Hội đồng Hydro Đức, Chủ tịch Tập đoàn Neuman & Esser – doanh nghiệp lâu đời thành lập từ năm 1830, chuyển đổi năng lượng là một quá trình tốn kém nhưng hứa hẹn nhiều thành tựu. Neuman & Esser hiện phát triển máy nén hydro và mô-đun electrolyzer tích hợp, sản xuất 2MW điện từ hydro, có thể kết nối thành các cụm phát điện ngay tại nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, bà Peters cũng nhấn mạnh rằng công nghệ sản xuất thiết bị hydro vẫn rất đắt đỏ, thời gian cung ứng kéo dài. Điều này buộc các quốc gia châu Âu phải đặt ra những kế hoạch thận trọng cho giai đoạn hiện tại, đồng thời thúc đẩy ban hành luật và chiến lược năng lượng hydro. Những quốc gia tiên phong bao gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2050 với tỷ lệ năng lượng hydro lần lượt đạt 10%, 33% và 13-14% trong cơ cấu năng lượng. Trong khi đó, Hoa Kỳ đặt tham vọng đạt 10 triệu tấn hydro vào năm 2030 và 50 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Châu Âu đang hướng tới xây dựng hệ thống phân phối hydro liên vùng vào năm 2030, tập trung sản xuất và truyền tải hydro qua đường ống từ các nhà máy ngoài khơi về đất liền.
Cơ hội và thách thức
Việt Nam cũng đã tích cực tham gia cuộc đua chuyển đổi năng lượng với những bước đi đáng kể. Các dự án điện gió, điện mặt trời lớn đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công suất điện mặt trời lắp đặt lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2020, chiếm 2,3% tổng công suất toàn cầu. Theo Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện năm 2020 đạt hơn 5,1 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2019.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của BritCham (3/2022), Việt Nam có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, tổng công suất đạt hơn 8.171 MW. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này đã giúp Việt Nam đứng thứ hai khu vực, chỉ sau Trung Quốc, về phát triển năng lượng tái tạo.
Trong lĩnh vực hydro, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại New York ngày 23/9/2024, bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn KBR và GE Digital để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nhiên liệu xanh. Đây là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững.
Dù tiềm năng lớn, quá trình phát triển hydro tại Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức, từ chi phí đầu tư, năng lực công nghệ đến nhân lực. Theo TS. Trần Văn, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là yếu tố then chốt để thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong công nghiệp, nông nghiệp cũng cần được đẩy mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải carbon. Đây không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là động lực kinh tế, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển năng lượng hydro, nếu thực hiện đúng định hướng, sẽ là cơ hội để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Ngày 23/09/2024, tại New York, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam) đã ký các Bản ghi nhớ hợp tác với các Tập đoàn Kellogg Brown & Root (KBR) và GE Digital International LLC (thuộc Tập đoàn GE) về thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động và phát triển nhiên liệu xanh, bền vững. Đây là bước đi mang tính chiến lược, giúp Petrovietnam tiếp cận các công nghệ và giải pháp kỹ thuật tiên tiến để chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải carbon, đồng thời, cũng là cơ hội để Petrovietnam mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng mới và nhiên liệu bền vững.
Thế Duy