
Năng lượng tái tạo là con đường duy nhất
Năng lượng tái tạo đang mở ra cơ hội để Việt Nam bứt phá, trở thành điểm sáng về năng lượng sạch ở khu vực. Song, để hiện thực hóa cần đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ những nút thắt, yếu tố then chốt quyết định.
Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, năng lượng tái tạo đang được xác định là lực đẩy then chốt, góp phần hình thành một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều rào cản cả về thể chế, hạ tầng, nguồn lực và công nghệ.
Năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, sinh khối, năng lượng từ chất thải… không chỉ là xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, mà còn là công cụ quan trọng để Việt Nam từng bước thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, vốn đang dần cạn kiệt và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường.
Theo thống kê của các chuyên gia năng lượng, tại Việt Nam, tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 2.000 đến 2.600 giờ; cường độ bức xạ đạt từ 3,69 đến 5,9kWh/m², là điều kiện lý tưởng cho phát triển điện mặt trời.
Trong khi đó, đường bờ biển dài hơn 3.000km, nhiều khu vực có vận tốc gió trung bình hơn 6,5m/s, phù hợp cho các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi. Ngân hàng Thế giới đánh giá tiềm năng điện gió của Việt Nam là lớn nhất Đông Nam Á, với công suất kỹ thuật ước tính có thể vượt 600GW.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Đối với Việt Nam, tiềm năng của năng lượng tái tạo rất lớn, cần tận dụng tốt nguồn năng lượng vô tận này để thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Làm tốt được điều này sẽ là tiền đề cho nền kinh tế xanh”.
Xét về yếu tố tự nhiên, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo hàng đầu Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong top 3 khu vực có tiềm năng điện mặt trời và điện gió lớn nhất ASEAN. Điện mặt trời xấp xỉ 1.500-2.000 giờ nắng/năm. Điện gió xấp xỉ 8,6GW tiềm năng gần bờ và xấp xỉ 600GW xa bờ (theo WB & IRENA). Nếu tận dụng tốt, năng lượng tái tạo có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Do đó, có thể thấy, năng lượng tái tạo sẽ thu hút đầu tư quốc tế mạnh mẽ. Năm 2020, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về thu hút đầu tư năng lượng tái tạo với hơn 7,4 tỷ USD. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo giúp Việt Nam mở cửa với dòng vốn xanh, giảm gánh nợ đầu tư công.
Cam kết Net Zero 2050 là cam kết quốc gia. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết, Việt Nam phải tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên trên 70% vào năm 2050 (theo Quy hoạch điện VIII).

Nhiều hệ lụy nếu không sớm cởi trói
Điều dễ thấy nhất đó là khủng hoảng thiếu điện kéo dài – một nguy cơ hiện hữu khi tăng trưởng GDP 6-7%/năm cũng đồng nghĩa với nhu cầu điện tăng tương ứng. Do đó, nếu không có năng lượng tái tạo mà hoàn toàn chỉ dựa vào nhiệt điện than hoặc nhập khẩu rất dễ mất cân bằng an ninh năng lượng. Hệ quả là thiếu điện cho sản xuất – cắt giảm điện – đình trệ đầu tư FDI.
Đơn cử như năm 2023, nhiều khu công nghiệp ở Bắc Giang (cũ), Bắc Ninh bị cắt điện đột ngột vào mùa nắng nóng, gây thiệt hại hàng triệu USD/ngày cho doanh nghiệp.
Nếu năng lượng tái tạo không phát triển, Việt Nam phải tiếp tục phụ thuộc vào nhiệt điện than và khí đốt sẽ khiến phát thải CO₂ tăng mạnh làm trầm trọng biến đổi khí hậu
Trong khi trên thế giới, các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn chỉ đầu tư vào nền kinh tế xanh – sạch – bền vững. Nếu Việt Nam chậm chân, sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp xanh (pin, bán dẫn, ô tô điện).
Trong khi đó, các ông lớn nước ngoài như Apple, Samsung, LEGO… đều đưa tiêu chí “năng lượng sạch” vào chiến lược chọn địa điểm đầu tư.
Cả thế giới đang bước vào “cuộc đua năng lượng sạch”, ai đi chậm sẽ tụt hậu cả về công nghệ lẫn năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh chúng ta, các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia… đã có quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo và kế hoạch giảm điện than cụ thể. Trong khi Việt Nam vẫn còn loay hoay triển khai Quy hoạch điện VII, VIII trong cơ chế tự làm khó nhau thay vì tìm lối thoát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chậm phát triển năng lượng tái tạo cũng đồng nghĩa với chấp nhận áp lực tài chính – môi trường tăng cao, chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ (xăng, dầu, LNG).
Mặt khác, chi phí ứng phó thiên tai, nước biển dâng, sạt lở, hạn mặn… sẽ bào mòn ngân sách quốc gia. Theo một thống kê, năm 2020, thiên tai khiến Việt Nam thiệt hại hơn 13.500 tỷ đồng, phần lớn do biến đổi khí hậu .
Cần khẳng định rằng, không phát triển năng lượng tái tạo không phải là đứng yên mà là đang tụt hậu và tự làm yếu mình. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là trách nhiệm với môi trường mà là bài toán sống còn về kinh tế – năng lượng – địa chính trị.

Cần một lối ra hài hòa
Theo cảnh báo mới đây từ Bộ Công thương, nguy cơ phát sinh tranh chấp quốc tế diện rộng và kéo dài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là điều không thể xem nhẹ.
Cảnh báo này không phải không có cơ sở, khi mà đến thời điểm hiện tại, có tới 173 dự án điện sạch đang bị “treo” quyền vận hành thương mại, một phần vì chưa có chấp nhận nghiệm thu (CCA), thủ tục vốn không được quy định tại thời điểm dự án đưa vào vận hành từ 2019-2021.
Thông tư 10/2023 của Bộ Công thương đã lần đầu tiên yêu cầu CCA như một điều kiện bắt buộc để được cấp phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới để đánh giá các dự án trong quá khứ đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào thế khó, dù họ đã thực hiện đúng các quy trình theo quy định tại thời điểm triển khai.
Không ít kiến nghị đã được gửi tới các cơ quan chức năng từ Hiệp hội Năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cho rằng, vướng mắc hiện tại không phát sinh từ lỗi của họ mà đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngay cả kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ cũng đã nhìn nhận, trách nhiệm liên quan đến cả 3 bên: chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện. Đây là lúc cần sự phối hợp, không phải sự né tránh.
Trong bối cảnh hàng loạt dự án chờ CCA vẫn chưa thể vận hành, các doanh nghiệp lo ngại việc bị hồi tố giá FIT, chậm thanh toán, và cắt giảm công suất không rõ căn cứ đã khiến nguồn lực bị đóng băng, dòng vốn tín dụng đình trệ, còn niềm tin thị trường thì ngày một xói mòn.
Theo thống kê, chỉ riêng khoảng 15.000MW điện tái tạo đã hòa lưới, tổng dư nợ còn lại lên tới hơn 10 tỷ USD. Đây không chỉ là con số tài chính, mà là biểu hiện của một hệ sinh thái đầu tư đang có nguy cơ rạn nứt nếu không sớm tháo gỡ những rào cản mang tính thể chế.
Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, phát triển năng lượng tái tạo không thể chỉ là một chiến lược vĩ mô, mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm ở cấp thực thi.
Việc xử lý các dự án đang vướng CCA cần một cách tiếp cận linh hoạt và thực tiễn, thay vì máy móc áp dụng hồi tố. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là EVN với vai trò trung gian mua điện, sớm có giải pháp hợp lý.
Có thể thấy, đây là lúc để nhìn nhận lại vai trò của thể chế trong bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, đồng thời giữ vững hình ảnh một quốc gia đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình năng lượng sạch.
Tại phiên họp thứ 28 diễn ra ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã yêu cầu giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại một số dự án.
Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM.
Hậu Lộc