Con đường tất yếu
Công ty TNHH Parker Processing Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực gia công bề mặt linh kiện ô-tô, xe máy, điện tử. Mỗi năm công ty tiêu thụ khoảng 2.274 TOE. Từ 5 năm trước, doanh nghiệp nhận ra yêu cầu cấp bách phải giảm chi phí năng lượng nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh khâu cải tiến vận hành lò, đơn vị đã tiến hành lắp đặt các đồng hồ đo đếm điện năng tiêu thụ cho các hệ thống tiêu thụ năng lượng chính (như hệ thống lò nhiệt luyện). Tại xưởng sản xuất, công ty chuyển đổi công nghệ sang quạt cấp khí và quạt hút, các thiết bị mới đều sử dụng biến tần điều khiển để duy trì hiệu suất hoạt động ổn định, tránh lãng phí tiêu hao.
Chỉ với một vài thay đổi nhỏ ở khâu đo đạc và vận hành, tổng mức năng lượng tiết kiệm trong vòng ba năm đầu triển khai của công ty đã đạt 1.357.920 kWh điện và 122.847 kg gas, tương đương khoảng 4,1 tỷ đồng.
Một thí dụ đáng kể khác là Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC). Nhờ triển khai chương trình bảo trì tiên đoán và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tiết kiệm năng lượng và tối ưu hiệu quả vận hành khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch – Mộc Tinh, nhóm các kỹ sư của công ty đã góp phần nâng cao hiệu quả vận hành khai thác dầu khí.
Chỉ riêng việc tiết kiệm năng lượng đã mang về hơn 15,84 triệu USD/năm, làm lợi thêm 600.000 USD/năm dựa trên mức gia tăng thu hồi sản phẩm khí hydrocacbon nặng bay hơi và giảm 400 tấn CO2 xả ra môi trường.
Doanh nghiệp cần thay đổi ngay từ trong tư duy để nhanh chóng bắt kịp những giải pháp giảm thải hiệu quả mà vẫn cân bằng với mục tiêu sản xuất.
Thay đổi từ nhận thức
“Lợi ích hàng đầu của các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong những ngành công nghiệp trọng điểm chính là bảo vệ môi trường, góp phần đáng kể vào bài toán giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp sẽ tốn chi phí chuyển đổi công nghệ, song đây chính là công cụ để doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, hướng tới tiếp cận các thị trường ngày càng khó tính”, Giám đốc kỹ thuật tại BKI Group Trần Văn Đại khẳng định.
Dự kiến từ năm 2026, hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị đánh thuế tương ứng với lượng khí CO2 phát thải trong quá trình sản xuất. Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng với các mặt hàng như xi-măng, sắt, thép, nhôm, sản phẩm điện tử… Song, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam muốn gia nhập thị trường châu Âu ngay trong thời điểm này đã phải chứng minh khả năng giảm thải theo một số điều trong Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), nhằm thực hiện tăng trưởng xanh và tránh tác động xấu của biến đổi khí hậu. Lộ trình này không thể được đẩy nhanh nếu thiếu đi vai trò và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo bà Trịnh Thu Hằng, chuyên gia tư vấn kiểm kê khí nhà kính của ERPO, bên cạnh các chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cũng cần thấy đây chính là lợi ích và con đường phát triển tất yếu. Giảm phát thải là cánh cửa để hàng hóa và dịch vụ do chúng ta sản xuất tiếp cận các thị trường quốc tế khó tính, đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn dựa trên các tác động tới môi trường.
Để duy trì khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nghĩ tới các giải pháp giảm phát thải lượng khí nhà kính. Trong đó, nếu đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ và thiết bị mới gặp khó khăn do tốn kém quá nhiều chi phí, việc chú trọng tiết kiệm năng lượng cũng được xem như một hướng đi hiệu quả.
Quản lý giám sát dữ liệu năng lượng
Theo các chuyên gia, câu chuyện tiết kiệm năng lượng nhằm đáp ứng mục tiêu giảm thải CO2 tuy đã xuất hiện nhưng chỉ diễn ra ở số ít doanh nghiệp có nhu cầu giao thương quốc tế chứ chưa hoàn toàn phổ biến. Quá trình chuyển đổi để hướng tới mục tiêu giảm phát thải vẫn cần trải qua thêm nhiều thử thách trong thời gian tới.
Là người trực tiếp tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện cho nhiều dây chuyền sản xuất trong hơn tám năm qua, ông Trần Văn Đại khẳng định: “Trong thực tế tư vấn, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vì lo sợ sản lượng giảm sút. Tuy nhiên, cùng một chỉ tiêu sản xuất, hay một dây chuyền vận hành, chỉ cần nắm rõ công tác đo lường, giám sát và quản lý các chỉ số tiêu hao năng lượng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thu lợi tương đương và thậm chí gia tăng. Do đó, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất sẽ đến ngay từ khâu quản lý năng lượng”.
Mục tiêu cuối cùng của việc quản lý không chỉ hướng tới tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra những dữ liệu giúp chứng minh cho khả năng và hành động tiết kiệm của từng doanh nghiệp. Hiện tại, các giải pháp quản lý năng lượng tự động hóa (Power Management System) cung cấp trọn vẹn từ phần mềm đến phần cứng, không chỉ giúp quá trình giám sát, quản lý, thu thập dữ liệu ngày càng hiệu quả, dễ dàng, mà còn gợi ý những chiến lược phù hợp cho từng hệ thống, từ đó giúp nâng cao năng suất làm việc của nhà máy.
Khi dữ liệu được đo lường và thu thập một cách bài bản, quá trình phân tích sẽ gợi mở nhiều giải pháp thực tế để doanh nghiệp có thể dễ dàng tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, đồng thời giám sát khâu thực thi hiệu quả hơn. Khi hệ thống dữ liệu minh bạch, khả năng chịu trách nhiệm về năng lượng và mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp mới được phát huy một cách rõ ràng.
Tất cả sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao độ tin cậy, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việt Dũng