Một số nhà sản xuất tấm quang năng hàng đầu của Trung Quốc đang triển khai xây dựng nhà máy ở Mỹ. Trong khi đó, Ming Yang Smart Energy Group (Trung Quốc), công sản xuất tuốc-bin gió lớn nhất thế giới cũng đang đánh giá khả năng thiết lập các cơ sở sản xuất và nghiên cứu ở Mỹ.
Làn sóng xây dựng nhà máy này cho thấy Mỹ đã thành công trong nỗ lực biến nước này trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ sạch sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm ngoái.
Đạo luật IRA cung cấp 374 tỉ đô la tín dụng thuế để hỗ trợ các dự án chống biến đổi khí hậu. Con số trợ cấp hào phóng đó thu hút sự chú ý của ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc dù căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng dâng cao.
“Mỹ đang thúc đẩy phát triển xanh, carbon thấp và và đã đưa ra nhiều chính sách và cơ chế tốt. Điều đó rất hấp dẫn đối với công ty chúng tôi”, Zhang Chuanwei, Chủ tịch Ming Yang cho biết trong một cuộc phỏng vấn bên lề tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam hồi tuần trước.
Ming Yang chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào tại Mỹ nhưng ba công ty năng lượng tái tạo khác của Trung Quốc, gồm JA Solar Technology, Longi Green Energy Technology và Jinko Solar đang thiết lập sự hiện diện ở các bang Arizona, Ohio và Florida.
Các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc thống trị mảng quang năng toàn cầu nhưng gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ vì một loạt tranh chấp thương mại và cáo buộc vi phạm nhân quyền, điều mà Trung Quốc bác bỏ. Một số công ty đã linh hoạt tăng công suất ở các nhà máy ở Đông Nam Á để xuất khẩu sang Mỹ nhằm lách các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ.
Chính sách khí hậu của Tổng thống Joe Biden được thiết kế để thúc đẩy các ngành công nghệ sạch trong nước và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu. Đạo luật IRA khuyến khích các công ty năng lượng sạch nước ngoài thành lập cơ sở sản xuất ở Mỹ.
Hàng loạt nước ngoài đã thông báo triển khai dự án ở Mỹ kể từ khi đạo luật này được ký thông qua hồi tháng 8 năm ngoái nhưng các công ty Trung Quốc vẫn ngại công khai các khoản đầu tư của họ.
Theo Li Junfeng, Gám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu năng lượng Trung Quốc, một nhóm tư vấn trực thuộc chính phủ, tình trạng này do cách tiếp cận ngày càng thù địch của Washington đối với các công ty Trung Quốc.
Cũng theo Junfeng, sự giám sát gắt gao của chính phủ Mỹ đối với mối quan hệ hợp tác sản xuất pin gần đây giữa CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, và hãng xe Ford của Mỹ đã khiến nhiều công ty Trung Quốc lo sợ sẽ không được đối xử như các đối tác Hàn Quốc hoặc châu Âu.
“Mỹ chỉ giới thiệu đạo luật IRA là không đủ. Mỹ cần đưa ra một kỳ vọng rõ ràng rằng các công ty sẽ được đối xử bình đẳng”, Li Junfeng nói.
Công nghệ sạch đóng vai trò chiến lược khi nó trở thành nguồn sản xuất năng lượng mới lớn nhất thế giới. Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này khiến các chính phủ khác tìm cách giảm phụ thuộc bằng cách tạo ra chuỗi cung ứng riêng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố quyền lực thống trị trong công nghệ sạch.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc mở cuộc điều tra thỏa thuận hợp tác CATL-Ford để đảm bảo công nghệ cốt lõi của người khổng lồ về pin này không được chuyển giao cho nhà sản xuất ô tô Mỹ. Trung Quốc cũng đang xem xét một lệnh cấm xuất khẩu ngằm giúp duy trì vị trí dẫn đầu trong hoạt động sản xuất tấm quang năng.
Li Junfeng cho biết, dự thảo lệnh cấm xuất khẩu thiết bị năng lượng vấp phải sự phản đối của một số công ty. Trung Quốc đã dành hơn 20 năm để xây dựng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tốt nhất thế giới nhưng cần cân bằng khả năng sản xuất trong nước với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ.
Gao Jifan, Chủ tịch của Trina Solar, một công ty năng lượng mặt trời khác của Trung Quốc, cho rằng các rào cản thương mại ở các nước như Mỹ và Ấn Độ đang làm tăng chi phí năng lượng sạch.
“Chúng ta nên xây dựng một cơ chế khiến mọi người cảm thấy an toàn thay vì thiết lập các rào cản như vậy”, ông nói.
Theo ông, thiết bị năng lượng sạch nên được sản xuất ở nơi có chi phí thấp nhất và được khuyến khích giao dịch trên toàn cầu. Trina Solar sẵn sàng xây dựng năng lực sản xuất ở Mỹ cũng như châu Âu nếu có chính sách hỗ trợ ở đó.
Zhang Chuanwei, Chủ tịch Ming Yang, cho biết nếu mở nhà máy ở Mỹ, công ty ông có thể mua các bộ phận và thiết bị từ các công ty địa phương.
“Giống như Trung Quốc, Mỹ là thị trường năng lượng tái tạo khổng lồ. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào Mỹ và hy vọng rằng Mỹ sẽ tạo ra một môi trường công bằng, toàn diện và có thể dự đoán được”, ông nói.
Chánh Tài (Theo Bloomberg)