Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry ngày 12/12 đã đưa ra thông điệp trên chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber công bố đề xuất dự thảo thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu, trong đó không đề cập đến vấn đề chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu tại một phiên họp kín với bộ trưởng các nước đang tham dự COP28, ông Kerry nhấn mạnh việc nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi loại bỏ gần như hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Quan chức Mỹ cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng để các nước có thể cùng nỗ lực thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ông khẳng định nỗ lực để đạt được mục tiêu này chính là “cuộc chiến sinh tồn”.
Đề xuất “loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Trong bản dự thảo mới mà Chủ tịch COP28 Al Jaber đưa ra, cụm từ nói trên đã không được đề cập, thay vào đó là cụm từ “giảm thiểu” sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phản ứng về dự thảo thỏa thuận này, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), ông Wopke Hoekstra cũng cho rằng dự thảo đề xuất chưa đủ “sức nặng” để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng quan điểm, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, bà Agnes Pannier-Runacher bày tỏ thất vọng khi dự thảo thỏa thuận mới không đề cập đến loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận như vậy sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12 – ngày họp cuối cùng của hội nghị.
Nguyễn Hà (TTXVN)