
Hội thảo khoa học về “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến Net Zero” được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ một số kiến thức, kinh nghiệm thực tế có liên quan về việc kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, và kết nối cung – cầu công nghệ, thiết bị, gắn kết hoạt động khoa học & công nghệ với quá trình phát triển của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc hiểu rõ về phát thải khí nhà kính và tác động của nó đến môi trường là vô cùng cần thiết. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về các loại khí nhà kính phổ biến, nguyên nhân phát thải, hệ thống báo cáo và giá trị của việc áp dụng công nghệ xanh để giảm thiểu tác động.
“Thay đổi từ nhận thức đến hành động là con đường duy nhất để hướng tới một tương lai bền vững cho thế giới. Hướng tới mục tiêu Net Zero chính là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, như: điện mặt trời áp mái, điện gió, năng lượng sinh khối…
Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải, mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, mỗi cá nhân và tổ chức cần có trách nhiệm và hành động ngay hôm nay để bảo vệ hành tinh của chúng ta cho mai sau”, ông Phong nhấn mạnh.
Với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Net Zero ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành, uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Bởi đây là lĩnh vực thường tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn khí thải, do đó Net Zero chính là cơ hội để doanh nghiệp tái định vị mình, cân bằng giữa hiệu quả kinh tế, đạo đức môi trường và sự bền vững lâu dài. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành xuất khẩu như nhựa, dệt may, điện tử, và chế biến thực phẩm đang chịu áp lực lớn từ đối tác quốc tế để “xanh hóa” quy trình sản xuất.
Theo ông Lê Sơn Phong, việc kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê để có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ… trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn có nghĩa quan trọng đối với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Theo ông Nguyễn Thanh Trí – đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, các công cụ hỗ trợ kiểm kê và tính toán phát thải đang được hoàn thiện nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tuân thủ các chuẩn mực môi trường quốc tế. Trong khi đó, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ nhiều giải pháp chuyển đổi xanh phù hợp điều kiện thực tiễn tại Đà Nẵng.

Đáng chú ý, hội thảo cũng dành thời gian để tham quan các gian hàng trưng bày thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao cho các doanh nghiệp địa phương.
Việc tổ chức hội thảo lần này là bước cụ thể hóa các mục tiêu trong Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của TP. Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Với định hướng rõ ràng, chính sách nhất quán và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TP. Đà Nẵng đang từng bước xây dựng hình ảnh một đô thị sinh thái, hiện đại và phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo.
Trần Thi – Nhật Huy