Vòng đàm phán thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-5) về ô nhiễm nhựa của LHQ kết thúc trong bế tắc vào sáng 2/12 tại thành phố Busan (Hàn Quốc).
Vòng đàm phán, khởi động từ ngày 25/11, quy tụ hơn 3.300 đại biểu, gồm đại diện từ hơn 170 nước và hơn 440 tổ chức quan sát. Vòng đàm phán hướng đến mục tiêu đạt được sự đồng thuận về một hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên của LHQ nhằm chống ô nhiễm nhựa. Nhưng trong những giờ thảo luận cuối cùng, các nước sản xuất dầu mỏ lớn, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã ngăn chặn nỗ lực của 100 nước nhằm đặt ra giới hạn đối với sản lượng nhựa mới.
Nếu đàm phán thành công, đây sẽ là cam kết toàn cầu quan trọng nhất về khí hậu kể từ Hiệp định khí hậu Paris năm 2015.
Cuối cùng, các nước chỉ nhất trí tiếp tục đàm phán trong năm 2025 với địa điểm vẫn chưa xác định. Đại biểu của các nước thừa nhận cần có thêm thời gian để giải quyết các quan điểm khác nhau và hoàn thiện khuôn khổ của hiệp ước chống ô nhiễm rác nhựa.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng, tất cả vẫn chưa đạt được đỉnh cao trong các nỗ lực. Mặc dù đỉnh cao hiện đã ở trong tầm mắt, nhưng hành trình của chúng ta chỉ kết thúc khi chúng ta đạt được các mục tiêu”, Luis Vayas Valdivieso, Chủ tịch INC-5 nói trong phiên họp toàn thể cuối cùng tai Busan.
Sự bế tắc trên phản ánh những căng thẳng địa chính trị trong tiến trình đa phương của LHQ. Đây là diễn đàn thứ ba của LHQ gặp phải rào cản trong tháng qua.
Hồi đầu tháng trước, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của LHQ tổ chức tại Colombia kết thúc đột ngột khi các nước bất đồng về việc thành lập một quỹ bảo tồn toàn cầu, yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ một phần lợi nhuận khi sử dụng dữ liệu di truyền từ động vật, thực vật hoặc vi sinh vật trong tự nhiên.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ gần đây tại Azerbaijan gác lại các vấn đề liên quan đến việc chuyển tiếp nhiên liệu hóa thạch cho hội nghị năm sau.
Các tập đoàn kinh doanh hàng tiêu dùng toàn cầu như Walmart, Unilever và Nestlé nằm trong số hơn 200 công ty ủng hộ nỗ lực chấm dứt việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và các hóa chất độc hại, thay vì đối mặt với chi phí dọn dẹp.
“Thật thất vọng khi chứng kiến tốc độ chậm chạp của chủ nghĩa đa phương do sự chi phối của một nhóm thiểu số không tiến bộ”, John Duncan, đồng lãnh đạo của Liên minh doanh nghiệp vì Hiệp ước nhựa toàn cầu nói khi ám chỉ đến việc các cường quốc dầu mỏ cản trở tiến triển đàm phán của INC-5.
Mỗi ngày, một lượng rác nhựa khổng lồ, tương đương 2.000 xe tải chở đầy, trôi vào các đại dương, sông hồ trên thế giới. Điều này gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho động vật hoang dã và sức khỏe con người. Các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa trong thực phẩm, nước, đất và thậm chí trong các cơ quan của con người và nhau thai của trẻ sơ sinh.
Hiệp ước chống rác ô nhiễm rác thải nhựa của LHQ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác nhựa do mức tiêu thụ quá lớn, trung bình 60kg nhựa/người/năm.
Hiệp ước, được đàm phán theo nghị quyết của Đại hội đồng Môi trường LHQ năm 2022, nhằm giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm cả quá trình sản xuất, thiết kế và xử lý nhựa, thông qua một văn bản ràng buộc pháp lý quốc tế.
Nhu cầu nhựa toàn cầu dự kiến tăng gần gấp đôi vào giữa thế kỷ 21, khi các nhà sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng hóa chất dầu mỏ được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa.
Sự trỗi dậy của các nguồn năng lượng tái tạo và xe điện đang hạn chế mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu. Nhưng Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nguyên liệu thô sản xuất nhựa từ dầu mỏ sẽ động lực chính thúc đẩy nhu cầu dầu tăng trưởng trong nửa cuối thập niên này.
Tại INC-5, tổng cộng có 100 nước ủng hộ một hiệp ước sẽ đặt ra giới hạn đối với sản lượng nhựa mới. Trong khi đó, đề xuất loại bỏ dần một số hóa chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường cũng được 140 quốc gia ủng hộ.
Nhưng một số ít cường quốc dầu mỏ, bao gồm Saudi Arabia và Nga, phản đối mạnh mẽ bất kỳ mục tiêu nào nhằm hạn chế sản xuất nhựa.
Một nhà đàm phán châu Âu cho biết, nếu các nước xuất dầu mỏ không cản trở tiến trình, cuộc đàm phán ở Busan đã có thể đi đến một thỏa thuận.
Hội đồng các hiệp hội hóa chất quốc tế (ICCA), đại diện cho các nhà sản xuất hóa dầu, đã vận động hành lang để phản đối việc đưa các mục tiêu sản xuất nhựa vào hiệp ước cuối cùng.
“Điều quan trọng là hiệp ước này phải tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân chính gây ô nhiễm nhựa, đó là rác nhựa đang được quản lý sai cách”, Chris Jahn, thư ký của ICCA nói và cho biết thêm, tái sử dụng, tái chế và thu gom rác thải nhựa là cách tốt hơn để chấm dứt ô nhiễm.
Khánh Lan (Theo Financial Times, AFP, UN.org)