Năm 2019, tỉ phú Hứa Gia Ấn, người sáng lập Evergrande NEV, tuyên bố sẽ đưa hãng này vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong vòng 3-5 năm. Bốn năm sau đó, Evergrande NEV rơi vào cảnh đói vốn trầm trọng khi công ty mẹ vẫn còn mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nợ.
Tháng trước, hãng cảnh báo sẽ dừng hoạt động nhà máy ở thành phố Thiên Tân nếu không tìm kiếm thành công vốn mới.
Các nguồn thạo tin cho biết lời kêu gọi rót vốn của Evergrande NEV không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới đầu tư.
Với hoạt động sản xuất của Evergrande NEV đã gần như tê liệt, các nhà đầu tư tiềm năng nhắm đến giấy phép sản xuất của hãng, được xem là tài sản đáng giá khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế các tay chơi mới gia nhập thị trường xe điện vốn đã đông đúc. Tuy nhiên, thủ tục hành chính rườm rà có thể làm phức tạp bất kỳ kế hoạch chuyển nhượng giấy phép sản xuất xe điện của Evergrande NEV.
Evergrande NEV cũng mong muốn nhà đầu tư mới sẽ giữ lại một số thành viên trong ban lãnh đạo cuả hãng hiện nay. Các nguồn tin cho biết một số nhà đầu tư tiêm năng không mặn mà với đề xuất này. Nếu tiếp quản Evergrande NEV, họ ưu tiên thay đổi diện mạo hoàn toàn, đặc biệt là nếu họ theo đuổi hướng đi riêng trong tham vọng xe điện.
Vấn đề của Evergrande NEV cho thấy sản xuất xe điện hàng loạt là thách thức lớn. Sau nhiều năm đưa ra các tuyên bố hoành tráng, hãng chỉ mới giao hơn 900 chiếc của mẫu xe điện hàng đầu Hengchi 5 sau nhiều lần trì hoãn. Trong bản công bố thông tin gửi cho Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông hồi tháng trước, hãng cho biết đang tìm cách huy động thêm 29 tỉ nhân dân tệ (4,2 tỉ đô la). Tuy nhiên, hãng không đưa ra thông tin chi tiết về thời hạn hoặc nơi huy động khoản vốn đó. Ngay cả khi được bơm vốn mới, Evergrande NEV lưu ý hãng sẽ vẫn tiếp tục chứng kiến dòng tiền âm tích lũy từ 5 -7 tỉ nhân dân tệ trong giai đoạn 2023-2026. Đang kẹt trong khủng hoảng nợ, China Evergrande, công ty mẹ của Evergrande NEV, không thể cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào. China Evergrande, nhà phát triển bất động sản đang gánh các khoản nợ hơn 300 tỉ đô la Mỹ, gần đây công bố chi tiết kế hoạch tái cấu trúc trị giá hàng tỉ đô la. Kế hoạch này kêu gọi chủ nợ chuyển đối trái phiếu hiện tại sang trái phiếu mới có kỳ hạn từ 5-12 năm hoặc các khoản đầu tư cổ phần ở đơn vị dịch vụ quản lý tài sản hoặc Evergrande NEV.
Cạnh tranh trên thị trường xe điện của Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Các hãng mới nổi như Nio, Xpeng và Li Auto đang tung hàng loạt mẫu xe điện vào thị trường, bổ sung cho các sản phẩm hiện có từ những hãng lâu đời hơn như Tesla và BYD (Trung Quốc), nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới. Điều đó kết hợp với nhu cầu suy yếu đã châm ngòi cuộc chiến giảm giá xe điện ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc cũng đang tăng cường giám sát giấy phép sản xuất xe điện. Trong những năm gần đây, hàng trăm công ty đổ xô vào lĩnh vực này để tận dụng chính sách trợ cấp và giảm thuế của nhà nước, dẫn đến nhiều vụ phá sản và nhà máy bị bỏ hoang. Do đó, mọi thay đổi về quyền sở hữu hoặc chuyển nhượng giấy phép sản xuất xe điện đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Bất kỳ quy trình chuyển nhượng giấy phép sản xuất ô tô nào cũng cần được sự chấp thuận của giới chức trách. Bên nhận chuyển nhượng cần phải chứng minh khả năng tài chính và công nghệ.
Các nguồn tin cho biết biết các nhà đầu tư mới nào cần bảo đảm vận hành 80% công suất của nhà máy của Evergrande NEV ở Thiên Tân, khoảng 40.000 ô tô mỗi năm. Điều này đòi hỏi thời gian và tiền bạc. Với khoản nợ của Evergrande NEV lên tới 7,5 tỉ nhân dân tệ (1,1 tỉ đô la), các nhà đầu tư tiềm năng cũng đang cân nhắc xem liệu cuối cùng họ có thu được lợi ích tài chính nào hay không.
Lê Linh (Theo Bloomberg)