Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, với những hiện tượng như nước biển dâng, thiên tai ngày càng khốc liệt và thời tiết cực đoan, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững và an ninh quốc gia…
Những thay đổi này không chỉ tác động đến môi trường sống của người dân mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và sản xuất… Trước tình hình đó, việc thúc đẩy đầu tư xanh và phát triển thị trường tài chính xanh đã trở thành yếu tố then chốt trong hành trình đạt mục tiêu Net Zero, giúp Việt Nam không chỉ đối phó với biến đổi khí hậu mà còn xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
Việc cam kết đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã được Chính phủ Việt Nam xác định là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong các kế hoạch phát triển dài hạn. Thực hiện cam kết này không chỉ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn thu hút dòng vốn tài chính xanh, hướng tới phát triển các mô hình năng lượng tái tạo và sản xuất carbon thấp.
Chính phủ đã triển khai các chiến lược cụ thể, nổi bật là việc xây dựng các NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) với mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Đây là một bước đi thiết thực để đạt được các mục tiêu khí hậu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero” tổ chức tại Đà Nẵng, ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon sẽ đóng vai trò then chốt trong việc huy động nguồn lực, không chỉ từ trong nước mà còn từ cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả, Việt Nam cần có những quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát triển các mô hình kinh tế bền vững. Các chính sách quy chuẩn về việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm, sẽ giúp giảm thiểu tác động môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Quá trình này cần có sự tham gia mạnh mẽ từ các nguồn tài chính xanh, không chỉ từ Chính phủ mà còn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế.
Việt Nam hiện nay đang đối diện với một cơ hội lớn để gia nhập xu thế toàn cầu về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và giảm phát thải carbon. Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, những mô hình kinh tế này không chỉ là xu hướng mà là tương lai bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về tài chính, công nghệ, chính sách… Bởi vậy, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước trong việc thiết lập các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự chuyển đổi và kết nối các bên liên quan là vô cùng quan trọng…
Nghi Lộc