Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” vừa được tổ chức tại TP.HCM. Đây là chủ đề mà các địa phương và nhiều doanh nghiệp hiện rất quan tâm, bởi tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam và nhằm đáp ứng những “tín chỉ” bắt buộc trên thị trường toàn cầu. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành, doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh quy hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu chung.
Những hệ lụy phải gánh chịu
TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số nêu rõ trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn tới môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng. Người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường.
Cũng theo ông Văn, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, theo kịch bản mực nước biển dâng thêm 1 mét, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất đai. Đặc biệt, hiện tượng xói lở ven sông, ven biển, sụt lún ngày càng nghiêm trọng.
Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 10 năm từ 2012 – 2022 cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn gấp từ 3 – 10 lần so với nước biển dâng, làm cho Đồng bằng sông Cửu Long chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng.
“Nhiều chuyên gia về khí hậu cho rằng, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%, cộng thêm các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050”, ông Văn lo ngại.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đối khí hậu với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26 nên Nhà nước xác định phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn để huy động vốn cho nền kinh tế xanh.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Halcom Việt Nam cũng cho rằng chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết net zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là mục tiêu tham vọng và sẽ đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ cùng nhiều quốc gia khác chung tay ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Đề cập đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp Việt thời gian tới, lãnh đạo Công ty cổ phần Halcom, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang đi đầu với nhiều giải pháp về chính sách, tài chính và công nghệ cho mục tiêu giảm phát thải.
Đáng chú ý, tháng 7/2021, EU trình đề xuất về quy định thiết lập cơ chế CBAM. Cơ chế này được EU phê duyệt và áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/01/2024.
Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng hàng hóa chịu tác động của cơ chế điều chỉnh carbon khi nhập hàng vào châu Âu. Cơ chế CBAM được cảnh báo sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ phát thải cao như: thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng…
Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí thải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Tạo chính sách “hút” nguồn lực
Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam được quan tâm và xây dựng sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững, cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn cũng như từ khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.
Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn lớn, bên cạnh việc phát huy nội lực, Chủ tịch Công ty cổ phần Halcom Nguyễn Quang Huân, cho rằng Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. “Phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon sẽ là những ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới”, ông Huân nhấn mạnh.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước (Điều 139), trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) của Việt Nam và xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong ETS.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn và hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon mà Điều 91, 139 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu.
Nghị định cũng cụ thể hóa lộ trình phát triển thị trường carbon, theo đó sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và tiến hành thử nghiệm từ năm 2025. Quá trình thực hiện giao dịch và bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng tuân thủ các quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Với các văn bản quy phạm được ban hành, có thể thấy thị trường carbon trong nước dần được định hình rõ nét hơn. Việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và trong khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, thị trường tín chỉ carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.
Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, ví dụ như Hiệp định tự do thương mại EU – Việt Nam. Thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huân, theo đề án “Phát triển thị trường tín chỉ carbon” do Bộ Tài chính dự thảo thì sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Bên cạnh đó, giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại EU hay Mỹ.
“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp”, ông Huân lưu ý.
Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp đồng bộ khác để giúp Việt Nam vừa có thể đảm bảo tính khả thi về nguồn lực tài chính, vừa đồng bộ các chính sách để phát triển nền kinh tế xanh bền vững; đồng thời có thể tranh thủ được kỹ nghệ, phương pháp quản lý và dòng tài chính từ các nước phát triển cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải, hướng tới hoàn thành mục tiêu net zero vào năm 2050.
Ánh Tuyết