Nỗi lòng người đi trước
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), cho biết nông nghiệp Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, đã tăng trưởng bền vững gấp đôi so với giai đoạn trước đó, đóng góp nhiều vào giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36% trong năm 2022, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng thêm của toàn nền kinh tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
“Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi xung đột giữa một số quốc gia, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế”, ông Thắng nói tại Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, vị chuyên gia này cho biết người nông dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải thay đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để thích nghi với sự biến đổi của toàn cầu, đặc biệt là những biến đổi về thị trường, luật pháp, chính sách. Đồn thời, đáp ứng tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu là đi theo con đường sinh thái.
Đồng quan điểm, ông Jesper Clause, Giám đốc dinh dưỡng – Khối ngành thủy sản của Tập đoàn De Heus, đánh giá nông nghiệp Việt Nam đang có những bước dịch chuyển sang sản xuất bền vững, tức vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa đảm bảo hoạt động sản xuất bền vững hơn. Nhưng quá trình này có rất nhiều thách thức.
Bổ sung, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), cho biết mục tiêu giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề đặt ra với Việt Nam, mà còn với nhiều quốc gia khác.
Nhưng điểm đang lưu ý là có 90% lượng phát thải trên toàn cầu lại đến từ các quốc gia xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh này đỏi hỏi phải có những giải pháp toàn diện từ Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức tư vấn nhằm triển khai các dự án công tư, phối hợp cùng nhau xây dựng những dự án can thiệp trong khâu thực hành tại doanh nghiệp, áp dụng những giải pháp giảm thiểu phát thải carbon.
Lý giải thực trạng, ông Lê Văn Đồng, Tổng giám đốc Le Fruit, cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, hầu hết nông dân Việt Nam đều thực hiện canh tác với quy mô nhỏ nên rất khó tiếp cận các giải pháp tài chính, nhằm lồng ghép với mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng tôi đơn độc trong việc phối hợp với những nông hộ riêng lẻ, nhất là khi tiếp xúc sâu hơn với bà con tại các ấp thuộc vùng sâu xa ở lưu vực sông Mekong. Tại đó chúng tôi cũng gặp nhiều biển hiệu quảng cáo về thuốc trừ sâu, nhưng hầu hết không thấy khuyến cáo rõ ràng về tác động của nó”, ông Đồng nói và cho biết người nông dân chỉ để ý tác dụng phòng, trị sâu bệnh của thuốc, chứ không thực sự hiểu rõ về tác hại của những sản phẩm đó đến môi trường, sức khoẻ.
Cũng theo vị này, làm nông nghiệp hữu cơ là một quá trình đơn độc ngay từ khi vừa bắt đầu, cả về tài chính, thị trường, đến chuyện cấp chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Thậm chí, khi chúng muốn tiếp cận được với người tiêu dùng qua mạng lưới phân phối cũng gặp rào cản.
“Không dễ dàng gì khi giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, nhưng may mắn là chúng tôi đã kiên trì theo đuổi và thiết lập được chuỗi tiêu thụ của Le Fruit, bao gồm các khách sạn 5 sao, các siêu thị lớn và xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Đông nói.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm G.C Food (GCF), cũng cho biết trên thế giới xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững đang được nói đến rất nhiều. Nhưng tại Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm chú trọng, dẫn đến những hậu quả về ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ở đâu đó vẫn xảy ra tình trạng xả thải, ngộ độc thực phẩm…
“Những hậu quả đó đều đến từ việc chưa quan tâm đến sản xuất an toàn, phát triển bền vững”, ông Thứ lý giải.
Cũng theo ông Thứ, sở dĩ sản xuất xanh chưa được doanh nghiệp hay nông dân đặt thành mối quan tâm hàng đầu vì họ chưa thấy được hiệu quả tức thì, tức là nghĩ nó còn xa vời hoặc chỉ những doanh nghiệp “thừa tiền” mới đi làm.
“Đây là lối suy nghĩ lạc hậu rồi, do trước đây chúng ta không được đào tạo, truyền thông đầy đủ”, ông Thứ nói.
Tiếp cận kinh tế xanh, nông nghiệp xanh một cách gần gũi
Với hành trình hướng tới nông nghiệp xanh còn dài, với rất nhiều khó khăn và thách thức, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cho rằng cần nhiều hướng tiếp cận mới mẻ, phù hợp và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế.
Theo ông Hoan, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, có thể tiếp cận một cách gần gũi, nhẹ nhàng, như lời chia sẻ “Xã hội trở nên phát triển hơn khi mọi người vun trồng cây xanh, tạo bóng mát, dù biết rằng họ còn chưa chắc có dịp ngồi dưới bóng mát đó”.
Từ thực tế sản xuất – kinh doanh, ông Lê Văn Đồng cho rằng nông nghiệp bền vững không có gì đao to búa lớn, mà là câu chuyện của niềm tin.
“Cái khó nhất là xây dựng niềm tin với người nông dân và người tiêu dùng. Làm để có chứng nhận thì dễ lắm, nhưng làm thật, đúng với trách nhiệm xã hội thì cần sự hi sinh”, ông Đồng chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, doanh nghiệp đã phải tiến hành triển khai từng chút một, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực mình có để xây dựng mô hình “Làng Le Fruit”.
“Bây giờ nếu có dịp về vùng Thới Lai, Phong Điền, hay Hậu Giang hỏi Le Fruit chắc chắn ai cũng sẽ ồ lên mừng vui khi chúng tôi đã đem đến một giá trị khác biệt cho vườn trái Cửu Long”, ông Đồng nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thứ cho biết làm nông nghiệp xanh luôn khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự muốn làm và say mê với nó, chứ không phải làm để lấy thành tích.
“Khi đến với cây nha đam, tôi đã xác định phải làm theo hướng hữu cơ để hướng đến xuất khẩu. Quá trình làm việc với bà con nông dân, tôi nhận thấy bà con cũng đang dần thay đổi nhận thức về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ. Quá trình liên kết với bà con, ngoài việc chúng tôi trả giá thu mua hợp lý, còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách”, ông Thứ nhớ lại,
Hiện G.C Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500ha để tăng công suất nhà máy chế biến tại Ninh Thuận lên 40.000-45.000 tấn thành phẩm một năm. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ cây nha đam nguyên liệu như nước uống, mỹ phẩm.
Để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với vai trò người đồng hành và dẫn đắt, ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực sự đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp. Ngoài ra, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, vì mặt bằng lãi suất hiện ở mức khá cao so với tỷ suất sinh lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, muốn trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại kể cả nơi ở cho người quản lý, công nhân lao động. Nhưng việc xây dựng trên đất nông nghiệp hiện là vấn đề khó khăn cho nhiều nhà đầu tư và rất cần các cơ quan quản lý tháo gỡ để phát triển.
Cũng theo ông Tuấn Anh, tính ổn định của quy hoạch và chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả, nên cần có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.
“Hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như giá đất, thuế… Nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà phải tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp vì đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí đất cao. Vì vậy cần phải nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp”, ông Tuấn Anh kiến nghị.
Bên cạnh những vấn đề trên, vị đại biểu này cho rằng Bên Chính phủ và các bộ, ngành cần đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay, thủ tục này khá vất vả, bởi quan điểm cho rằng dễ biến đất ruộng thành đất ở.
Để giảm lượng phát thải carbon từ các sản phẩm nông sản, Huỳnh Tiến Dũng khuyến nghị ngành cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên hoàn toàn có thể giảm phát thải từ giai đoạn sử dụng phân bón. Chẳng hạn, giúp nông dân tăng sử dụng phân bón sinh học thay cho phân bón hoá học, áp dụng các biện pháp cải tạo đất.
Còn ông Trần Công Thắng cho biết Ipsard đang phối hợp với một số địa phương ở Tây Nguyên xây dựng các vùng trồng cà phê sinh thái. Đồng thời, hợp tác với các đối tác sản xuất trà hữu cơ và đến nay đã thu hút nhiều tổ chức quốc tế cùng tham gia chung tay.
Thực tế, ngành cà phê và hạt tiêu có 80% lượng phát thải đến từ khâu trồng trọt, 10% từ khâu chế biến và chỉ 10% từ các hoạt động trước canh tác. Với ngành nuôi trồng thuỷ sản, khoảng 20-30% lượng phát thải từ khâu đoạn chế biến, 50% từ khâu nuôi trồng.
Vân Phong