Tại Quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định phát triển nguồn điện gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phù hợp Quy hoạch điện VIII; đặc biệt là ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo và nguồn điện khác phù hợp với điều kiện địa phương như: điện gió, điện mặt trời (nhất là tự sản, tự tiêu); điện sinh khối; điện đồng phát và các nguồn điện khác; thủy điện và khai thác thủy điện trên các hồ thủy lợi phù hợp.
Nghệ An cũng sẽ tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 500 kV, 220 kV và 110 kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng, đặc biệt là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung cải tạo lưới 10 kV thành 22 kV hoặc 35 kV; dần xóa bỏ các trạm biến áp trung gian, thay thế bằng các trạm 110kV hoặc các xuất tuyến trung áp mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có; đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho các vùng sâu, vùng xa.
Theo quy hoạch tỉnh Nghệ An đến 2030, Dự án Điện gió Quỳnh Lập 1 có công suất 40 MW, Dự án Điện gió Quỳnh Lập 2 có công suất 70 MW sẽ được triển khai tại thị xã Hoàng Mai và Dự án Điện gió Nam Đàn có công suất 200 MW sẽ triển khai tại huyện Nam Đàn.
Ngoài ra, các dự án điện mặt trời cũng sẽ được đưa vào danh mục đầu tư phát triển nguồn điện từ nay đến năm 2030, bao gồm: Nhà máy Điện mặt trời hồ Khe Gỗ, có công suất 200 MW tại huyện Quỳnh Lưu; Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu, có công suất 160MW tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.
Nhà máy Điện sinh khối tại huyện Tân Kỳ và một số địa phương khác cũng dự kiến sẽ cho sản lượng điện khoảng 80 MW.
Ngoài các nguồn năng lượng tái tạo trên, Dự án Điện khí LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn có công suất 1.500 MW tại địa bàn thị xã Hoàng Mai theo Quy hoạch Điện VIII.
Hai nhà máy xi măng là Hoàng Mai và Tân Thắng sẽ cũng được quy hoạch vào nguồn điện với công suất phát điện từ nguồn nhiệt dư của nhà máy xi măng lần lượt là 7 MW và 8 MW.
Việc phát triển thêm các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Nghệ An là phù hợp với định phát triển điện lực quốc gia tại Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5 vừa qua.
Trong tương lai gần, Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối…), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh…) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp.
Thái Hòa