Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện các năm 2021-2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025-2030 và giai đoạn 2031-2050.
Đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; có xét đến trao đổi xuất, nhập khẩu điện với các nước trong khu vực, đề xuất các phương án phát triển hệ thống điện toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống điện về các mặt: Tiến độ xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ; nguồn vốn và khả năng huy động vốn; đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược trong phát triển điện lực; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.
Nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Quyết định nêu rõ, nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 3 tập:
Tập I: Thuyết minh chung, gồm 12 chương:
Chương 1: Phân tích bối cảnh và các căn cứ điều chỉnh quy hoạch
Chương 2: Hiện trạng điện lực quốc gia và đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2025
Chương 3: Cập nhật dự báo phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch các cấp đến năm 2050
Chương 4: Điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ điện
Chương 5: Cập nhật các thông số đầu vào
Chương 6: Điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện
Chương 7: Điều chỉnh chương trình phát triển lưới điện truyền tải
Chương 8: Chương trình đầu tư phát triển điện lực trong giai đoạn quy hoạch
Chương 9: Đánh giá hiệu quả kinh tế chương trình phát triển điện lực quốc gia
Chương 10: Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Chương 11: Giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Chương 12: Kết luận và kiến nghị
Tập II: Phụ lục, bao gồm tài liệu về dự báo nhu cầu phụ tải; kết quả tính toán các phương án phát triển nguồn điện, kết quả tính toán các phương án phát triển lưới điện; bảng tính toán vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện.
Tập III: Các bản vẽ, bao gồm các bản đồ, các sơ đồ tính toán lưới điện theo thành phần và thể thức quy định tại mục IV, Phụ lục II Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Phương pháp lập quy hoạch là kết hợp, lồng ghép giữa quy hoạch phát triển điện lực với các quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; kết hợp giữa các tính toán và phương pháp chuyên gia; kết hợp giữa phát triển điện lực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thời hạn lập quy hoạch
Thực hiện dự kiến không quá 30 tháng kể từ khi Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Chi phí lập quy hoạch
Chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ Công Thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể về chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.
Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
(TTXVN)