Doanh nghiệp đầu tiên nhận chứng chỉ trung hòa carbon
Năm 2023, Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất sữa đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ trung hòa carbon. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đạt được mục tiêu lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất cũng tương đương với lượng CO2 hấp thụ ngược lại.
Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành Khối Sản xuất, Trưởng dự án Net Zero, Vinamilk – cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng các chương trình hành động cho giai đoạn từ nay đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Theo đó, giai đoạn thứ nhất từ nay đến năm 2027, chúng tôi sẽ giảm 15% phát thải trên tổng quy mô hoạt động của Vinamilk. Đến năm 2035 dự kiến giảm 55% và đến năm 2025 sẽ đạt Net Zero.
Chúng tôi cũng bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời các phương tiện vận tải chuyển trong khâu kinh doanh, phân phối chúng tôi cũng chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện. Ngoài ra chúng tôi dự kiến trong 5 năm tới Vinamilk sẽ trồng được 2-3 triệu cây xanh. Có 20ha rừng ở Cà Mau sẽ triển khai trồng cây mắm. Cây mắm hấp thụ CO2 rất tốt. Ngoài tán cây hấp thụ CO2 thì rễ hấp thụ CO2 cũng tốt”.
Doanh nghiệp đồng lòng vì mục tiêu Net Zero
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đồng lòng hướng tới giải pháp tự trung hoà carbon theo tiêu chuẩn quốc tế. Với hơn 19.000 lao động cùng quy mô các nhà xưởng lớn, Công ty may Tân Đệ đã đầu tư hạ tầng đạt tất các chuẩn mực về xanh hóa, chuẩn mực về môi trường, sử dụng nguồn nước sạch, tái tạo nguồn nước để phục vụ cho việc phát triển bền vững.
Ước tính, hàng năm công ty may Tân Đệ xuất khẩu gần 12 triệu sản phẩm may mặc thể thao sang Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á… Trung bình mỗi tháng các nhà máy của Công ty may Tân Đệ tiêu thụ khoảng 1.200.000kWh điện (2.000.000kWh – trung bình 7 tháng năm 2023). Đứng trước yêu cầu xanh hoá, những quy định mới từ các nhà nhập khẩu của Châu Âu và Mỹ đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức. Đơn vị này đã chủ động chuyển mình, phát triển theo hướng “xanh hoá” để cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài.
Theo đại diện công ty, để tiết kiệm điện, đơn vị đã áp dụng hàng loạt biện pháp như đầu tư hệ thống điện mặt trời, sử dụng máy móc, thiết bị có công nghệ, động cơ tiết kiệm điện; sử dụng cửa mang cá lấy gió tự nhiên để tiết kiệm điện cho hệ thống thông gió… Nhờ vậy, mỗi năm Công ty May Tân Đệ cũng tiết kiệm được 300.000 kWh điện.
Bên cạnh đó, hằng năm, May Tân Đệ thuê đơn vị có năng lực, uy tín để kiểm toán năng lượng (đơn vị thứ 3 kiểm toán năng lượng 3 năm 1 lần theo quy định; xác minh số liệu qua công cụ). Từ đó phát hiện và điều chỉnh những công đoạn, quy trình sản xuất có khả năng tiết kiệm điện.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Hảo – Giám đốc kinh doanh công ty – chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy rất rõ yêu cầu ngày càng cao, khắt khe của các nhãn hàng. Trên tinh thần tự lực, phát huy nguồn lực vốn có của doanh nghiệp, đồng thời để trang trải các chi phí xây dựng nhà máy xanh, chúng tôi đã tăng cường nâng cao hiệu quả sản xuất bằng cách đầu tư máy móc, công nghệ thiết bị hiện đại, rèn luyện đào tạo người lao động… Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị thặng dư để giúp công ty tái đầu tư vào các hạ tầng, hạng mục nâng cấp nhà máy xanh”.
Khi trao đổi với phóng viên, cả ông Minh và ông Hảo đều nhận định, trong hành trình hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0, việc các doanh nghiệp cùng đồng lòng, cùng chung tay với các hoạt động của Chính phủ… chính là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam về đích trong cuộc đua mang tên Net Zero.
Minh Ánh