Vai trò quan trọng của các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành
Khái niệm du lịch “Net Zero”, tức là hoàn toàn không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành. Mới đây, trong bản báo cáo “Nature Positive Travel & Tourism”, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành trong việc ngăn chặn và đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá.
Báo cáo được thực hiện với sự phối hợp giữa WTTC với ANIMONDIAL, cố vấn chính của tổ chức Du lịch và Lữ hành toàn cầu về việc bảo vệ tự nhiên và động vật, đồng phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, và do Ban thư ký của Hiệp ước về đa dạng sinh học (SCBD) bảo trợ. Mục tiêu của bản báo cáo là giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành hành động thiết thực hơn và cấp thiết hơn để bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học tốt hơn nữa, phù hợp với du lịch “Net Zero”.
Các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt để thực hiện các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, đồng thời thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí các-bon để đạt được mục tiêu “Net Zero”. Đây cũng được coi là thương hiệu cốt lõi mà các doanh nghiệp du lịch hướng đến trong quá trình vận hành và kinh doanh.
Theo bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WTTC, 80% hoạt động Du lịch và Lữ hành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên vì vậy điều quan trọng là các đơn vị hữu quan của ngành du lịch phải chủ động trong việc thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên.
Bà Simpson chia sẻ: “Lượng khí thải trực tiếp của ngành du lịch – các yếu tố bao gồm các chuyến bay, hành trình ô tô, đường sắt và các phương tiện giao thông khác, sử dụng năng lượng trong các hoạt động lưu trú và du lịch tại các điểm đến – ước tính chiếm khoảng 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Phát thải trực tiếp và gián tiếp – sau này bao gồm các nhà cung cấp du lịch, chẳng hạn như dịch vụ giặt là và sản xuất thực phẩm – cùng nhau chiếm từ 8 đến 11% lượng khí thải tương đương CO2 toàn cầu. Đó là một tỷ lệ khá cao, nhưng do dân số toàn cầu ngày càng tăng và khả năng chi trả tăng lên, ngành du lịch sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với mức của năm 2019”.
Cũng theo bà Simpson, lượng khí thải carbon toàn cầu cần phải giảm một nửa vào năm 2030 và phải đạt mức 0 ròng càng sớm càng tốt , nhưng không muộn hơn năm 2050. Tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp trên toàn thế giới cần phải điều chỉnh ồ ạt để cắt giảm lượng khí thải.
Chú trọng đến du lịch bền vững để hướng tới một nền tảng vững chắc
Tại Việt Nam, không chỉ cộng đồng những người làm du lịch mà toàn xã hội đang rất chú trọng đến du lịch bền vững để hướng tới một nền tảng vững chắc và tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các địa phương, điểm đến đều nhận định và hướng tới việc cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Bên cạnh đó, vẫn có thể duy trì được việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, các di sản, công trình có ý nghĩa về du lịch để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai.
Thiên Minh Group (TMG), đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn, trực tuyến và hàng không, là một trong những đơn vị đi tiên phong trong quá trình thực hiện du lịch “Net Zero” trong thời gian qua.
Mới đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TMG, chia sẻ về mục tiêu trong vòng 3 năm tới, TMG trở thành công ty du lịch “Net Zero”: “Hầu hết những gì chúng tôi làm đều bền vững. Mục tiêu lớn nhất của tập đoàn là đạt “Net Zero” vào năm 2026. Tuy nhiên, điều quan trọng trong tất cả những gì chúng ta làm là cố gắng để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua trong phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng đến môi trường và tương lai, đồng thời hỗ trợ kinh tế địa phương ”.
Ông Trần Trọng Kiên nhấn mạnh, ở toàn bộ hệ thống khách sạn Victoria, nước thải ra sẽ trải qua quá trình xử lý để sử dụng tưới tiêu cho cây cối. Bên cạnh đó là những quy định rất ngặt nghèo trong việc cắt giảm chi phí năng lượng, dùng năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo không lãng phí đồ ăn.
Trong khi đó, báo cáo hồi tháng 3/2023 của Viện Tương lai Du lịch Châu Âu (ETFI) đã chỉ ra rằng, nếu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và lữ hành tiếp tục diễn ra như bình thường, lượng khí thải của những đơn vị này cũng sẽ tăng mạnh (riêng lượng khí thải trực tiếp tăng 73%). Trong một kịch bản như vậy, du lịch sẽ sử dụng 66% đáng kinh ngạc ngân sách khí hậu còn lại từ năm 2023 đến năm 2100.
Cũng theo báo cáo của ETFI, trong thời gian tới, sẽ có những thay đổi rõ rệt trong thói quen của du khách trong quá trình trải nghiệm. Một khách du lịch sẽ thực hiện cùng một số chuyến đi, hoặc nhiều hơn, trong một năm, nhưng họ thường sẽ đi những quãng đường ngắn hơn. Không chỉ trải nghiệm đi máy bay, du khách sẽ sử dụng nhiều lựa chọn đường sắt, ô tô (điện), xe khách và phà hơn cho kỳ nghỉ của mình, trong đó, những người đi đường dài sẽ đi ít chuyến hơn nhưng có khả năng ở lại lâu hơn.
Đinh Nam (theo independent.co.uk, ttlnews.com)