Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đang là thách thức lớn đối với một số ngành hàng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng là động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh, hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” do Trung tâm Hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 8/11.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS cho biết, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam – EU đã tăng lên đáng kể.
EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 của Việt Nam. Do đó, các chính sách liên quan đến nhập khẩu của EU đều ít nhiều tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, CBAM là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững.
CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin, Thỏa thuận xanh châu Âu là phản ứng của EU đối với tình trạng khẩn cấp của các vấn đề môi trường, cụ thể là về khí hậu toàn cầu. Mục tiêu của EU là giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030, so với mức của năm 1990. Đạt được mức giảm phát thải này là nội dung quan trọng để châu Âu trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào năm 2050.
Việc ban hành CBAM hiểu một cách đơn giản nhất là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Cơ chế này sẽ giúp làm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu, nhằm ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp EU chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon sang các quốc gia khác để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo (rò rỉ carbon). EU tin rằng cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá carbon sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.
Theo lộ trình đề ra, từ tháng10/2023 CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp. Nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuâân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM. Từ tháng 1/2026 CBAM bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh châu Âu (EU ETS).
Năm 2027, Ủy ban châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM và năm 2034 CBAM chính thức vận hành toàn bộ. Các mặt hàng thuộc hiện điều chỉnh của CBAM hiện tại là sắt thép, nhôm, hydrogen, phân bón, xi măng, điện.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, tác động của CBAM đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam là điều chắc chắn, trước tiên là mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn. Tác động của CBAM đối với sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào một số yếu tố như độ co giãn của cầu hàng hóa, sự sẵn có của hàng hóa thay thế và mức độ mà doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng.
Đáng nói là, hiện tại chưa thể đánh giá việc EU có mở rộng nhóm mặt hàng áp dụng cơ chế CBAM hay không và có thể nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng này và mở rộng sang nhiều mặt hàng khác. Do đó cơ chế điều chỉnh carbon cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính đến từ đầu ngay trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất.
Theo ông Hưng, để thích ứng với xu thế chung trên toàn cầu; trong đó có CBAM, các lĩnh vực có mặt hàng nằm trong danh mục chịu thuế hay không thì đều phải có được một sự nhận thức rất rõ về các quy định, yêu cầu của thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu.
Xanh hóa sản xuất là xu hướng bắt buộc thông qua việc chuyển đổi, đầu tư vào các công nghệ/thực hành sản xuất sạch hơn, giảm các chi phí cấu thành nên sản phẩm, đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời và điện gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
“Doanh nghiệp nói riêng và các bên liên quan nói chung cần hợp tác và đối thoại với EU để đảm bảo CBAM được thực thi theo cách công bằng và bình đẳng; hợp tác với tổ chức chứng nhận thứ ba để xác minh tính chính xác về hàm lượng carbon trong báo cáo của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đỗ Hữu Hưng khuyến nghị.
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù chỉ mới có EU ban hành cơ chế CBAM và phản ứng của các quốc gia đang khác nhau nhưng không thể phủ nhận, việc xanh hoá sản xuất là yêu cầu tất yếu để bảo vệ môi trường sống, duy trì sự phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và đang đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đổi mới quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đặng Bùi Khuê, việc thị trường xuất khẩu áp dụng thuế cho hàng hoá phát thải carbon không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chuyển đổi xanh mà còn là động lực để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động giúp hấp thụ carbon được quy đổi thành tín chỉ carbon để mua bán, trao đổi.
Hiện nay, giá 1 tín chỉ carbon (tương đương 1 tấn CO2) tại Việt Nam đang có giá khoảng 10 USD nhưng tại EU đã tương đương với 100 USD. Đây là một thị trường giao dịch nhiều tiềm năng và sẽ sôi động trong thời gian tới, tạo thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xanh, không phát thải.
Xuân Anh