Khoa học công nghệ (KHCN) là “chìa khóa” để thực hiện mục tiêu Net Zero. Ngược lại, muốn đạt net zero buộc phải đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng để giảm phát thải.
Đây là nội dung chính tại Hội thảo khoa học Ứng dụng các giải pháp KHCN để triển khai thực hiện Đề án Net Zero diễn ra sáng 12/7.
Thúc đẩy Net Zero nhanh hơn
Net Zero là xu thế tất yếu, luật chơi mới về thương mại và đầu tư toàn cầu. Tại Hội nghị Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Sau cam kết này, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành đề án, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện mục tiêu. Giải pháp không thể thiếu đó là KHCN.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, cho rằng net zero là mục tiêu lớn đòi hỏi sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và từng cá nhân cụ thể. Đối với Đồng Nai, tháng 2/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án Net Zero). Đồng thời, xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện giảm phát thải, nhiệm vụ này đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Để góp phần thực hiện đề án trên, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng các giải pháp KHCN để triển khai thực hiện Đề án Net Zero. Những nghiên cứu, trao đổi, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tại hội nghị này sẽ được tổng hợp, chắt lọc gửi về Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế.
Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, GS-TS Nguyễn Văn Phước cho rằng, net zero là động lực, cũng là sức ép trong đổi mới KHCN. Động lực này thể hiện ở chỗ muốn thực hiện Net Zero cần phải có KHCN, phải đổi mới sáng tạo. Còn chiều ngược lại, chuyển dịch năng lượng và đổi mới công nghệ góp phần đạt mục tiêu Net Zero nhanh hơn. Mỗi ngành, lĩnh vực sẽ có giải pháp ưu tiên giảm phát thải khác nhau, tuy nhiên, KHCN là không thể thiếu, là trợ lực giúp đạt Net Zero nhanh hơn.
Cần cơ chế, hỗ trợ cho KHCN
KHCN là giải pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu Net Zero. Vì vậy, cần cơ chế chính sách dành cho KHCN và đào tạo nhân lực để có sản phẩm KHCN, có con người để ứng dụng vào thực tiễn.
GS-TS Nguyễn Văn Phước cho rằng, để các nhà khoa học phát huy vai trò nghiên cứu, phổ biến, từ đó góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phục vụ mục đích tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường.
Theo Thạc sĩ Lê Quốc Hưng, Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), giảm phát thải khí nhà kính là giải pháp quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm chậm biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực quản lý chất thải công nghiệp, cần áp dụng các biện pháp giảm phát sinh mới, phát triển và áp dụng công nghệ tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích như: điện, đồ dùng tái chế, nguyên liệu tái sinh; ứng dụng công nghệ sinh học để thu hồi khí mê-tan từ quá trình xử lý nước thải công nghiệp; tuần hoàn nước thải… Những giải pháp này đều cần đến KHCN.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển nguồn điện tái tạo. Do đó, Sở Công thương đề xuất các giải pháp: đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà; ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối; khai thác tối đa tiềm năng thủy điện; thúc đẩy sử dụng các loại nhiên liệu sinh học; thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng để lưu trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen.
Tại Đề án Net zero, tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Liên quan đến giải pháp KHCN, nhiệm vụ đặt ra là tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon; thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm phát thải trong các ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp, xây dựng, giao thông…; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực để thực hiện giảm phát thải, tiến tới Net Zero.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai: Thiết kế mô hình nông nghiệp 2 lộ trình
Lĩnh vực nông nghiệp tuy không đóng góp lớn vào phát thải khí nhà kính như một số ngành nhưng tác động trực tiếp đến an ninh lương lực, an ninh nguồn nước, môi trường không khí, môi trường sống và sức khỏe của con người. Thiết kế và áp dụng mô hình nông nghiệp dựa trên 2 lộ trình là: tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và khử carbon trong sản xuất là giải pháp không chỉ giúp chúng ta đạt được các mục tiêu về khí hậu, phát triển bền vững, mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5%/năm, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.
Thạc sĩ Vương Lan, Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai: Phát triển khu công nghiệp xanh
Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, đây cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn. Vì thế, tập trung phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái không chỉ đáp ứng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải, mà còn giúp khắc phục vấn đề môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của tỉnh. Việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh sẽ giúp tỉnh thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, KHCN và coi trọng yếu tố môi trường, phát triển bền vững; giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế canh tranh.
Bà Trịnh Thị Tình, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai: Giảm thiểu rác thải nhựa trong tiêu dùng
Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, gia tăng biến đổi khí hậu. Tại Đồng Nai, bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại, trong đó rác thải nhựa chiếm 6-8%. Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa là “kẻ thù” với môi trường, gây tổn hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp thực hành và tuyên truyền giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; phát động các phong trào vì môi trường xanh, cuộc thi tái chế chất thải, khởi nghiệp xanh sẽ giúp giảm chất thải nhựa, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu net zero.
Ban Mai
Hoàng Lộc