Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ngày 2/8/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về việc triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, sau nửa năm, Đề án Giảm thiểu khí carbon của tỉnh Đồng Nai đã được khởi động.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đơn vị chủ trì thực hiện đề án cho biết, nội dung chính của đề án đã được tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp lớn và nhân dân trong tỉnh. Dự thảo kế hoạch thực hiện hợp phần 1 (Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh), đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Kế hoạch này là cơ sở triển khai thực hiện hợp phần 1, hợp phần đầu tiên trong 3 hợp phần của đề án.
Ông Trần Trọng Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp với các đơn vị rà soát quy định liên quan đến giảm phát thải của 7 ngành nghề, lĩnh vực tỉnh ưu tiên ở hợp phần 1; lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương và dự toán kinh phí thực hiện hợp phần 1.
Cũng theo ông Toàn, hiện một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định giảm phát thải và định mức kinh tế kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhưng một số lĩnh vực như: giao thông, nông nghiệp, xây dựng chưa có quy định cụ thể. Các sở, ngành theo chức năng tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị Trung ương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về giảm phát thải của ngành mình.
Còn ông Thái Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho hay, sở đã và đang triển khai thực hiện nhiều kế hoạch góp phần giảm phát thải như: sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; điều tra, thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm và đề xuất biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
ThS Nguyễn Văn Liệt cho rằng, Net Zero là mục tiêu lớn đòi hỏi sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và từng cá nhân cụ thể.
Đối với Đồng Nai, tháng 2/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án Net Zero). Đồng thời, xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện giảm phát thải, nhiệm vụ này đã tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Để góp phần thực hiện đề án trên, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Đồng Nai xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thảo khoa học Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để triển khai thực hiện Đề án Net Zero. Những nghiên cứu, trao đổi, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tại hội nghị này sẽ được tổng hợp, chắt lọc gửi về Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế.
GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Net Zero là động lực cũng là sức ép trong đổi mới khoa học công nghệ. Động lực này thể hiện ở chỗ muốn thực hiện Net Zero cần phải có khoa học công nghệ, phải đổi mới sáng tạo. Còn chiều ngược lại, chuyển dịch năng lượng và đổi mới công nghệ góp phần đạt mục tiêu Net Zero nhanh hơn. Cũng theo ông Phước, mỗi ngành, lĩnh vực sẽ có giải pháp ưu tiên giảm phát thải khác nhau, tuy nhiên, khoa học công nghệ là không thể thiếu. Nó là trợ lực giúp đạt Net Zero nhanh hơn.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, Đề án Giảm thiểu khí carbon là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhiều năm tới. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp cho các sở, ngành liên quan.
Trọng tâm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai. Chủ trì làm việc với các doanh nghiệp hỗ trợ chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi xanh để cập nhật kiến thức, quy định đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai hợp phần 1, trong đó xác định công việc, tiến độ, thời gian và đơn vị chịu trách nhiệm để thuận lợi trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai đề án. Lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương, dự toán kinh phí thực hiện hợp phần 1 theo quy định. Mời gọi các nhà đầu tư, nghiên cứu lập đề án, dự án về tín chỉ carbon thương mại trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, lồng ghép với ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường cho từng đô thị; từng bước chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các đô thị phát triển một cách bền vững.
Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện mục tiêu cam kết giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh.
Cần cơ chế, hỗ trợ để ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm phát thải
Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh GS.TS Nguyễn Văn Phước cho rằng, để các nhà khoa học phát huy vai trò nghiên cứu, phổ biến, từ đó góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phục vụ mục đích tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường.
Còn theo ThS. Lê Quốc Hưng, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), giảm phát thải khí nhà kính là giải pháp quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm chậm biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực quản lý chất thải công nghiệp cần áp dụng các biện pháp giảm phát sinh mới, phát triển và áp dụng công nghệ tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích như điện, đồ dùng tái chế, nguyên liệu tái sinh; ứng dụng công nghệ sinh học để thu hồi khí mê-tan từ quá trình xử lý nước thải công nghiệp; tuần hoàn nước thải… những giải pháp này đều cần đến khoa học công nghệ.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Thái Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, tỉnh đang có nhiều lợi thế để phát triển nguồn điện tái tạo. Do đó, Sở Công Thương đề xuất các giải pháp: đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà; ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối; khai thác tối đa tiềm năng thủy điện; thúc đẩy sử dụng các loại nhiên liệu sinh học; thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng để lưu trữ, vận chuyển và phân phối năng lượng hydrogen.
Tại Đề án Net Zero, tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp, về giải pháp khoa học công nghệ nhiệm vụ đặt ra là tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng carbon; thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm phát thải trong các ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp, xây dựng, giao thông…; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực để thực hiện giảm phát thải, tiến tới Net Zero.
Nguyễn Ngọc