Theo đánh giá của tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay. Du lịch “Net Zero” có nghĩa là hoàn toàn không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành; do đó, để xây dựng môi trường du lịch bền vững, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, giảm phát thải khí carbon, song song với những hoạt động tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân địa phương.
Hành động từ địa phương đến doanh nghiệp
Mới đây, trong bản báo cáo “Nature Positive Travel & Tourism” (Du lịch tự nhiên tích cực), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành trong việc ngăn chặn và đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt để thực hiện các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên; đồng thời, thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí carbon để đạt được mục tiêu “Net Zero”.
Theo bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WTTC, 80% hoạt động du lịch và lữ hành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vì vậy điều quan trọng là các đơn vị hữu quan của ngành du lịch phải chủ động trong việc thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên.
Tại Việt Nam, các địa phương với những điểm đến đều nhận định và hướng tới việc cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nhưng vẫn có thể duy trì được việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, các di sản, công trình có ý nghĩa về du lịch để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai.
Tiêu biểu như tại Hội An (Quảng Nam) từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9/2003. Thành phố di sản đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 – 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần. Gần đây, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch…
Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành đã hưởng ứng xu hướng bền vững bằng một số “tour xanh” như: tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa; tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…
Nhà sáng lập Công ty DiDi Travel, ông Bùi Trí Nhã cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú hích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp quyết định đẩy mạnh các tuyến tour trải nghiệm văn hóa bản địa, gần gũi thiên nhiên, gắn với các điểm du lịch mạo hiểm… Đặc biệt, các hoạt động kể trên đã góp phần tạo sinh kế bền vững và làm sống dậy không gian văn hóa cho du lịch cộng đồng phát triển”.
“Mục tiêu lớn nhất của tập đoàn là đạt Net Zero vào năm 2026. Hiện tại, ở toàn bộ hệ thống khách sạn của tập đoàn, nước thải ra sẽ được xử lý để sử dụng tưới tiêu cho cây xanh. Bên cạnh đó là những quy định rất ngặt nghèo trong việc cắt giảm chi phí năng lượng, dùng năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo không lãng phí đồ ăn…”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group (TMG), cho biết.
Liên quan đến vận tải du lịch, tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu, cho biết: “Khi đưa ra sản phẩm vận chuyển xanh, Xanh SM nhận được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng. Từ đó giúp doanh nghiệp tiên phong đi đầu khi chúng tôi được hưởng lợi nếu có thể tạo dựng thương hiệu và đón nhận được làn sóng khách hàng ưa chuộng xu hướng này”. Theo kế hoạch, từ năm 2025 trở đi, GSM giảm 400 triệu kg CO2 mỗi năm nhờ sở hữu 30 – 40 nghìn xe taxi điện, vài chục nghìn xe máy điện…
Tường Bách