Năm 2018, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy lượng khí thải nhà kính phát ra từ hoạt động du lịch đang tăng nhanh chóng, tạo ra khoảng 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Ngành công nghiệp không khói trị giá hàng nghìn tỉ USD được dự báo có thể sinh ra 6,5 tỉ tấn khí thải carbon vào năm 2025 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính.
Thực tế cho thấy không phải cứ “không khói” là xanh, là bền vững. Cuộc đua “net zero”, kiểm soát ô nhiễm khí thải carbon của ngành du lịch đang ngày một trở nên cấp thiết, và Việt Nam không thể đứng ngoài.
Độc lạ cuốn “hộ chiếu xanh”
15 cuốn “Hộ chiếu xanh” (Net Zero passport – NZP) vừa được tỉnh Bến Tre trao cho các du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch “Net Zero Tours Bến Tre”. Ý tưởng được triển khai và thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) thực hiện, đưa xứ dừa Việt Nam trở thành điểm đến duy nhất trên thế giới khai sinh cuốn hộ chiếu đặc biệt này.
Hành trình một tour du lịch xanh bắt đầu từ bến tàu du lịch tại TP.Bến Tre, du khách sẽ di chuyển bằng tàu (ghe, xuồng máy) lênh đênh trên các cung đường đẹp nhất của dòng sông, len lỏi giữa những rặng dừa nước xanh mát ngắm những rặng bần tự nhiên hai bên bờ và có thể tương tác với người dân sinh sống ven sông. Kết thúc hành trình trên sông, du khách sẽ lên bờ và đi bằng xe lam vào các làng nghề làm kẹo dừa, xem biểu diễn đờn ca tài tử, nếm mật ong hoa dừa, thưởng thức nước dừa dứa tại vườn dừa dứa được trồng trên 30 năm và nghe kể chuyện về “cuộc đời” của cây dừa. Điểm đặc biệt trong hành trình này là khi vừa xuống tàu, mỗi du khách được cấp ngay một quyển sổ nhỏ và một cây bút chì vừa để bỏ túi, đó chính là Net Zero passport.
Hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn du khách cách ghi chép vào sổ này, đồng thời thông tin thêm về những sản phẩm nào khi dùng sẽ góp phần phát thải carbon, sản phẩm nào sẽ giảm phát thải để bù đắp ngay trong hành trình tour hoặc có lựa chọn phương án bù đắp tốt nhất sau đó. Du khách cũng được tham gia một trò chơi nho nhỏ khá thú vị trên hành trình tàu là nhìn hình để sắp xếp theo thứ tự giảm phát thải khí carbon. Chẳng hạn như so sánh giữa ăn một trái dừa với một trái sầu riêng, hay giữa trái sầu riêng với trái mít thì ăn trái nào sẽ dẫn đến phát thải nhiều hơn. “Du khách đi du lịch không chỉ là hưởng thụ mà còn san sẻ với địa phương mình đến” – đó là điểm xuất phát, cũng là đích đến của hành trình giảm “dấu chân carbon”, theo nhà phát triển tour độc đáo này.
“Hộ chiếu xanh thật sự là một ý tưởng tuyệt vời đối với tôi. 5 năm trước, lần đầu tiên sang Nhật du lịch, tôi nghe hướng dẫn viên giới thiệu ở bên này nước suối đắt hơn xăng, bởi Chính phủ khuyến khích người dân giảm phát thải nhựa, hạn chế mua nước tại cửa hàng. Tôi thật sự ấn tượng với câu chuyện này. Từ đó, tôi chuyển hẳn sang dùng bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai bên ngoài vô tội vạ như trước. Có điều kiện đi thêm nhiều nơi, đặc biệt là các nước châu Âu, ý thức bảo vệ môi trường càng được hun đúc mạnh hơn. Đi shopping tự mang theo túi đựng; dùng túi của cửa hàng sẽ phải trả thêm tiền; sử dụng giao thông công cộng và siêng đi bộ… những điều trước đây khá mới mẻ nhưng giờ đã trở thành thói quen trong mỗi chuyến đi của tôi. Tôi chưa đo đếm, nhưng có lẽ đã giảm thiểu được khá nhiều lượng phát thải do mình sinh ra tại mỗi điểm đến. Đi Net Zero Tours Bến Tre thì mình không phải lo tự đếm, bởi mỗi bước chân đi đều đã được kiểm soát và còn có hoạt động bù đắp cho môi trường nữa”, Phạm Minh Anh (27 tuổi) chia sẻ đầy hào hứng sau khi chính thức được cấp chứng nhận “công dân xanh”.
Khái niệm du lịch xanh, du lịch bền vững, giảm dấu chân carbon đang ngày càng được nhắc tới nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn trên mỗi hành trình du lịch của người Việt, nhất là các bạn trẻ. Kết quả từ một cuộc khảo sát độc lập đối với 1.000 người trên 18 tuổi tại Việt Nam cho thấy có tới 96% du khách Việt được hỏi khẳng định rằng du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Nhìn về tương lai, 94% du khách Việt Nam cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Trong số đó, 56% cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong khi 21% quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn. Đáng chú ý là theo báo cáo, 80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi, 43% du khách tin tưởng họ mang lại ảnh hưởng tích cực đối với các vấn đề xã hội liên quan đến ngành du lịch.
Hành trình xanh từ mỗi bước chân…
Dù đã nghe rất nhiều tới khái niệm du lịch xanh, du lịch bền vững, nhưng có nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc: Vì sao gọi du lịch là “ngành công nghiệp không khói”, là ngành công nghiệp xanh mà vẫn chiếm tỷ lệ phát thải lớn, vẫn sản sinh ra những dấu chân carbon?
Hãy bắt đầu từ dấu chân của riêng mỗi cá nhân trên hành trình cuộc sống. Để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Việc lựa chọn giày dép, phương tiện, đồ dùng… trong cuộc sống sẽ góp phần định hình dấu chân carbon của mỗi người. Khái niệm “dấu chân carbon” ra đời, được định nghĩa là thước đo chúng ta thải ra bao nhiêu khí nhà kính trong quá trình thực hiện một chuyến đi. Việc này bao gồm mọi hoạt động từ di chuyển, điểm đến, ăn uống, lưu trú… cho đến các hoạt động giải trí, đặc biệt là di chuyển.
Theo Nature Climate Change, du lịch quốc tế với các chuyến bay đường dài là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất và đóng góp khoảng 25% tổng lượng khí thải CO2 của ngành du lịch. Hàng không là phương tiện vận chuyển chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng cũng chính là nguồn phát thải lớn nhất. Đó là lý do những chuyến bay xanh trở thành xu thế bắt buộc mà ngành hàng không thế giới cũng như Việt Nam đang phải theo đuổi.
Ngày 27/5, chuyến bay mang số hiệu VN660 từ Singapore đến Hà Nội đánh dấu mốc lịch sử đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên thử nghiệm thành công một chuyến bay thương mại với nhiên liệu xanh, tái tạo. Chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel – SAF) sản xuất từ các nguyên liệu tái tạo như mỡ động vật thải, dầu ăn đã qua sử dụng, chất thải nông nghiệp…
Đây là bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam nói chung và hãng hàng không quốc gia nói riêng trong hành trình trở thành “hàng không xanh”. Hết năm 2023, thông qua các hoạt động tối ưu khai thác tàu bay, tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí CO2 hãng bay này đã cắt giảm được là gần 70.000 tấn, giảm được nhiều hơn 1,5 lần so năm 2022 (44.240 tấn).
Ngoài Vietnam Airlines, Vietjet cũng đang có những kế hoạch nhất định tiến tới sử dụng SAF thông qua ký kết thỏa thuận tài chính máy bay với Novus Aviation Capital và hợp tác cùng SAF One phát triển SAF. Thực tế, Vietjet hiện đã sử dụng dòng máy bay mới, hiện đại, giảm lượng khí thải ra môi trường. Chẳng hạn, hồi đầu năm, Vietjet tiếp nhận máy bay thứ 105 là máy bay mới Airbus A321neo ACF có khả năng tiết kiệm nhiên liệu đến 20%, giảm lượng khí thải ra môi trường tới 50% và tiết giảm tiếng ồn đến 75%…
Trong khi hàng không nỗ lực giảm phát thải trên mỗi chuyến bay thì trên thế giới, rất nhiều quốc gia cũng đang tích cực chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ giao thông xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt. Do hiệu suất phát thải CO2 thấp, đường sắt là phương tiện di chuyển quan trọng có tính bền vững, thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, ngành đường sắt giai đoạn từ nay đến 2030 đang được Bộ GTVT nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh… Các tuyến đường sắt tốc độ cao đang được nghiên cứu như đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đường sắt cao tốc Bắc – Nam… đều được định hướng sử dụng năng lượng điện.
Về đường bộ, hệ thống xe buýt xanh, taxi xanh, xe đạp công cộng đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ từ các đô thị lớn cho tới các địa phương thủ phủ du lịch. Chỉ trong vài năm nữa thôi, du khách đến Việt Nam sẽ có thể trải nghiệm một hành trình di chuyển xanh từ máy bay tới tàu hỏa, đường sắt đô thị, xe buýt, taxi… Mỗi dấu chân du khách sẽ không còn là “hiểm họa carbon” tại Việt Nam.
… tới từng điểm đến
Phương tiện di chuyển đã xanh rồi, các địa phương cũng đều đang hướng tới cung cấp các hoạt động dịch vụ thân thiện với môi trường.
Điển hình, Hội An (Quảng Nam) từ rất sớm đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9.2003, tức là từ hơn 1 thập niên trước. Thành phố di sản đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 – 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần. Gần đây, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch…
Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành hưởng ứng xu hướng bền vững bằng một số “tour xanh” như: tour chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tour thám hiểm hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa; tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…
Thực tế, có những doanh nghiệp (DN) đã thực sự nhận thức được việc đo dấu chân carbon của mình, đong đo lượng phát thải của mình thải ra như thế nào để từ đó chủ động giảm thải. Thế nhưng, cũng có không ít DN vẫn phải trăn trở về chuyện đo bằng cách nào, đo như thế nào và thậm chí là có cả DN đặt ra câu hỏi đo để làm gì.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý T.Ư, cho rằng du lịch là ngành cần chuyển đổi xanh nhất vì đây là lĩnh vực đỉnh cao trong phục vụ (trực tiếp) con người. Đó còn là câu chuyện của cạnh tranh điểm đến, là hình ảnh quốc gia. Chưa kể, xu hướng của du khách giờ cũng đã khác. Từ lối sống, cách tiêu dùng, cách hưởng thụ đều đã thay đổi.
“Có tới 90% du khách, đặc biệt là với thế hệ trẻ, gen Z, không chỉ quan tâm đến việc trải nghiệm, khám phá, tận hưởng của cá nhân, không chỉ đòi hỏi xanh mà bản thân họ cũng muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cho cộng đồng,… ngay trong quá trình đi du lịch. Họ lựa chọn du lịch bền vững, đặc biệt là chuyến đi giảm “dấu ấn” môi trường, giúp hỗ trợ kinh tế và văn hóa địa phương, đồng thời có cơ hội khám phá các điểm đến mới. Vì thế, chúng ta không thể không chuyển đổi mà còn phải nhập cuộc thật nhanh, thật mạnh bởi các nước đã đi trước chúng ta khá xa rồi”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, xác định “dấu chân carbon” là điều không dễ dàng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với nhiều hoạt động nhỏ lẻ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển… nên không dễ xác định nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Chưa kể, việc chuyển đổi xanh của một số ngành như hàng không đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn bởi giá nhiên liệu sạch cao gấp rất nhiều lần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Do đó, quá trình “xanh hóa” từng cấu phần của du lịch cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của khách du lịch, DN, cộng đồng điểm đến và nhất là sự ủng hộ, khuyến khích thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực từ Chính phủ.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm. Con số này không hề nhỏ, xếp thứ 17 trên toàn cầu. “Dấu chân” của chúng ta đang to và đậm hơn rất nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Các hình thức du lịch thay thế để giảm carbon từ dấu chân du lịch:
Thay vì sử dụng phương tiện đường hàng không, nếu có thể hãy chuyển sang đường bộ hoặc tàu hỏa.
Nếu bạn phải bay, hãy bù đắp cho môi trường lượng phát ra carbon của bạn thông qua hỗ trợ các dự án trên toàn cầu hoặc hỗ trợ chương trình trồng cây của trường học trong khu vực chuyến đi của bạn…
Bạn có thể sử dụng giảm lượng khí thải chung của chuyến bay bằng cách: giảm trọng lượng hành lý, chỉ mang theo những gì cần thiết; hạn chế tối đa việc chọn một số chuyến bay có quá cảnh; sử dụng vé máy bay điện tử.
Khi bạn đã tới điểm đến, hãy đi bộ và đạp xe bất cứ khi nào có thể; tổ chức cắm trại bởi đây là “chỗ ở carbon” thấp tuyệt vời.
Chọn các khu lưu trú thân thiện với môi trường: sử dụng năng lượng tái tạo, trữ nước mưa, có thiết bị tiết kiệm năng lượng và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương.
Mua sắm ở địa phương, hãy chọn sản phẩm được sản xuất tại địa phương làm giảm khí thải vận chuyển; Nói không với ống hút nhựa, từ chối túi lưu niệm bằng nhựa. Hãy mang theo túi mua sắm tái sử dụng của bạn…
Lam Anh