Du lịch xanh hiện đang là xu hướng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là loại hình du lịch tập trung vào việc bảo tồn cảnh quan và bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và giảm phát thải nhựa… Để phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh được xem là lựa chọn hàng đầu.
Xu thế tất yếu của phát triển du lịch xanh
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên cả phương diện lượng khách cũng như doanh thu từ thị trường nội địa và quốc tế, tuy nhiên, sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ đã gây ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những điểm đến có sự phát triển “nóng”.
Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, du lịch Việt Nam muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhất thiết phải phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây cũng chính là “chìa khóa” để phát triển du lịch bền vững.
Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, phát triển du lịch xanh đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trịvề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội…
Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác đinh phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp, như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính…
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì hai nhóm nhiệm vụ, bao gồm: “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh…), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Gần đây nhất, ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Theo đó, các hoạt động du lịch mang quy mô quốc gia trong những năm gần đây đều đề cao yếu tố phát triển du lịch xanh bền vững, điển hình như: Năm Du lịch quốc gia 2022 diễn ra tại Quảng Nam với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, tổ chức nhiều hoạt động hướng tới du lịch xanh bền vững; Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Nhiều địa phương, điểm đến đón đầu xu hướng du lịch xanh
Năm 2023, hoạt động du lịch của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và diễn ra sôi động. Ngành du lịch đã đón khoảng 120,5 triệu lượt khách (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt mục tiêu đề ra), đưa tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,4% so với kế hoạch năm 2023. Du lịch đã và đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Và cùng với sự chung tay đồng lòng của cả cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư cũng như du khách, hành trình xanh hóa du lịch đã đạt được khá nhiều thành tựu. Ở cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng được nhiều quy định, chương trình cụ thể về phát triển du lịch xanh – bền vững như bộ tiêu chí gắn với các nhãn hiệu, xây dựng được các chương trình du lịch quốc gia…
Ở cấp địa phương, du lịch xanh trở thành các quan điểm, mục tiêu phát triển trong các kế hoạch, chiến lược cụ thể cần được ưu tiên hàng đầu, đồng thời được triển khai gắn với các định hướng, giải pháp về bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh, các mô hình du lịch xanh mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người.
Đi tiên phong phải kể đến thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ngay từ năm 2020, Hội An đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, du khách hạn chế và giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần. Tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” thải ra môi trường và du khách không còn đồ nhựa dùng một lần. Đây là hành động thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng du lịch cả nước về phát triển du lịch xanh bền vững. Trước đó, tháng 10/2022, Hội An đã triển khai mô hình “Trạm đong đầy” – một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặt biệt là rác thải nhựa. Hội An phấn đấu các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; mỗi năm giảm từ 13-15%, để đến năm 2025 ở đây không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.
Tại huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), trong nhiều năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường, như: triển khai thực hiện các đề án về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là Đề án huyện Cô Tô không có rác thải nhựa, Đề án Phân loại rác thải tại nguồn, Đề án Hạn chế sử dụng túi nilon; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải bãi biển; tổ chức hoạt động thường xuyên dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, tại các bãi biển…
Từ ngày 01/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo. Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ tháng 9/2023, huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Cô Tô kêu gọi mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), nhiều doanh nghiệp làm du lịch cũng chú trọng đầu tư các dụng cụ giảm thải rác khó tiêu hủy ra môi trường, như: sử dụng các dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần…
Ngay từ tháng 3/2022, UBND huyện Côn Đảo đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020-2024. Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Từ đó, Côn Đảo sẽ là đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình đô thị giảm nhựa trên toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu để huyện hướng đến phát triển du lịch xanh và giữ chân nhiều du khách hơn.
Ngoài ra, để các tour du lịch mới mẻ, độc đáo tại Côn Đảo phát triển mà không phá vỡ cân bằng sinh học, mô hình “kinh tế tuần hoàn” đã và đang được thực hiện tại Côn Đảo để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các tồn tại và thách thức về vấn đề môi trường, năng lượng.
Để du lịch xanh phát triển bền vững
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch.
Ngoài ra, để tiếp tục thúc đẩy, tạo đà cho ngành du lịch phát triển xanh, bền vững, cần thực hiện một số giải pháp như:
Xây dựng chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hóa; quy định về xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom, tái chế chất thải trong các cơ sở kinh doanh; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thực hiện sản xuất sạch hơn bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch ra môi trường.
Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch và các tổ chức phi chính phủ có thể hợp tác trong việc phát triển du lịch xanh. Hợp tác này có thể bao gồm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, xây dựng các dự án và chương trình chung và tạo ra các cơ chế tài chính để hỗ trợ các dự án du lịch xanh.
Xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát hiệu quả các hoạt động du lịch xanh. Điều này đảm bảo rằng các doanh nghiệp và tổ chức du lịch tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên. Các tiêu chí đánh giá bao gồm tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và tạo ra lợi ích bền vững.
Thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững. Mạng lưới này có thể cung cấp cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài nguyên, đồng thời tạo ra một nền tảng để phát triển và thúc đẩy du lịch xanh trong cả nước.
Tăng cường thông tin và truyền thông đến khách hàng và cộng đồng về lợi ích, giá trị của du lịch bền vững. Việc sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, website và các chiến dịch truyền thông sẽ giúp lan tỏa thông điệp về du lịch xanh, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm môi trường./.
Hương Vy