Liên minh châu Âu (EU) cần phải đầu tư khoảng 1,5 nghìn tỉ euro mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050 để cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040 và đạt được mục tiêu đưa lượng phát phát thải ròng về mức zero (Net-Zero) vào giữa thế kỷ này, theo Ủy ban châu Âu (EC).
Các số liệu trên là một phần trong văn kiện dự thảo của EC, trong đó đặt ra kế hoạch cắt giảm khí thải và đạt được mục tiêu Net-Zero trên toàn nền kinh tế EU vào năm 2050. Một phần đáng kể của khoản đầu tư này phải được chi cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng đối với công nghệ thu giữ carbon. EU cần thu giữ 450 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm vào năm 2050 để đạt được mục tiêu Net-Zero, tăng từ mức không đáng kể hiện nay.
Văn kiện cho biết nếu không hành động, EU sẽ đối mặt với con số thiệt hại kinh tế khổng lồ khi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng. EC cho biết, việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng lên không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể giúp EU tiết kiệm 2,4 nghìn tỉ euro thiệt hại kinh tế từ trong giai đoạn 2031-2050 và cắt giảm chi phí ròng của việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch khoảng 2,8 nghìn tỉ euro trong cùng kỳ,
Mục tiêu cắt giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính được đề xuất để thúc đẩy nhanh hành động về khí hậu khi thiệt hại kinh tế do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Theo luật khí hậu của EU, các chính phủ trong khối này cam kết giảm lượng khí thải 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
“Quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra, mang đến cho chúng ta các cơ hội kinh doanh mới, trở thành lực lượng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sạch, ổn định năng lượng, tạo việc làm tốt trong tương lai, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ chúng ta trước những điều tồi tệ nhất”, văn kiện dự thảo của EC cho hay.
Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, văn kiện cho biết EU sẽ yêu cầu ngành điện phải khử carbon gần như hoàn toàn vào khoảng năm 2040, đồng thời chuyển lực lượng lao động của khối sang các ngành công nghiệp xanh và giảm 85% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa so với mức của năm 1990. Dầu nhiên liệu cho tàu thuyền, máy bay và các phương tiện giao thông khác sẽ chiếm phần lớn lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng còn lại.
EC cũng lưu ý rằng các hoạt động nông nghiệp bao gồm chăn nuôi gia súc và sử dụng phân bón được dự đoán sẽ trở thành tác nhân lớn nhất gây ra lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2050.
Văn kiện của EU cho biết thêm, một phương pháp để giải quyết vấn đề này là phản ánh tốt hơn giá khí thải nông nghiệp vào chuỗi giá trị thực phẩm, đồng thời gợi ý về khả năng đưa ngành này vào hệ thống giao dịch khí thải của khối để đánh thuế carbon đối với những công ty gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cho rằng các mục tiêu này quá khắt khe trong bối cảnh lạm phát cao và hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, nông dân trong khu vực chỉ trích mạnh mẽ công các quy định về môi trường, với các cuộc biểu tình lan rộng từ Hà Lan sang Bỉ, Đức, Pháp và Romania trong những tuần gần đây.
Năm ngoái, các nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã kêu gọi “tạm dừng” luật khí hậu vì cho rằng việc buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi thói quen lâu đời làm dấy lên lo ngại phản ứng dữ dội.
Văn kiện dự thảo của EC có thể còn điều chỉnh trước khi công bố vào ngày 6/2 để các nước EU tranh luận về các mục tiêu khí hậu năm 2040 dự kiến được đưa vào một đề xuất lập pháp chính thức.
Văn kiện cũng sẽ giúp thiết lập sự đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution) vào năm 2035 của EU. Đây là mục tiêu giảm phát thải mà tất cả các quốc gia phải đưa ra trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP30 của Liên hợp quốc vào năm tới, được 27 chính phủ của khối nhất trí.
EU đã thể hiện vai trò là người đi đầu về các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu. EU hy vọng khối này sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh khi nhiều nước chuyển sang áp dụng năng lượng tái tạo, định giá carbon và nền kinh tế tuần hoàn.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, các hiện tượng thời tiết cực đoạn liên quan đến biến đổi khí hậu đã khiến 220.000 người thiệt mạng ở EU và gây thiệt hại kinh tế cho khối này 650 tỉ euro kể từ năm 1980.
Lê Linh (Theo Financial Times)