Các đợt nóng ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn, mùa cháy rừng bùng phát sớm khắp lục địa từ Địa Trung Hải đến Tây Ban Nha… đã, đang khiến biến đổi khí hậu trở thành vấn nạn nhức nhối mà cả châu Âu phải đối mặt.
Và hành trình chinh phục Net Zero – cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040 – chính là phương cách cuối cùng để lục địa già thoát khỏi mối nguy khủng khiếp và khó lường từ biến đổi khí hậu.
“Mùa hè tột cùng” hay những hiểm họa không ngờ từ biến đổi khí hậu
Mùa hè 2023 đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xướng tên là “mùa hè tột cùng”, bởi “combo” nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt đều đã xảy đến gay gắt trong năm này, dẫn tới những thiệt hại kinh hoàng cho sức khỏe con người và môi trường. Cơ quan khí hậu thuộc Liên minh châu Âu xác nhận 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận kể từ năm 1850, nhiệt độ trung bình năm 2023 tăng 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 – 1900) và có thể là năm Trái đất nóng nhất trong 100.000 năm. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ mỗi ngày tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, hai ngày của tháng 11/2023 nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ này.
“Những thay đổi nhỏ về nhiệt độ toàn cầu có tác động rất lớn đến con người và hệ sinh thái”– bà Friederike Otto – nhà khoa học khí hậu, người đồng lãnh đạo nhóm hợp tác nghiên cứu toàn cầu của World Weather Attribution – khẳng định. Và thực tế đã chứng minh nhận định ấy. Sóng nhiệt tăng đã là một trong những yếu tố nguy hiểm nhất gây tử vong cho hàng nghìn người và các trường hợp khác liên quan.
Mùa hè 2023, rất nhiều những địa điểm du lịch tại châu Âu bị đóng cửa và phát báo động đỏ cảnh báo người dân khi ra đường. Hàng loạt khách du lịch tại Rome đã ngã gục khi nhiệt độ vượt quá 40°C. Năm 2023 cũng ghi nhận rất nhiều đợt cháy rừng trên diện rộng và một trong số đó là các vụ cháy rừng nối tiếp nhau tại Hy Lạp kéo dài trong gần 2 tuần. Lượng CO2 phát thải trong những vụ cháy lên tới 1 triệu tấn. Ông Stefan Uhlenbrook, phụ trách vấn đề về thủy văn, nước và tầng lạnh của WMO, cho biết: “Khi hành tinh ấm lên, chúng ta có thể sẽ thấy các trận mưa ngày càng dữ dội hơn, thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, dẫn đến lũ lụt lớn hơn”.
Điều đáng nói là trước đó, nhiều năm qua, năm nào châu Âu cũng phải đối mặt với “combo hủy diệt” thiên tai này. Như hè năm 2022, cháy rừng hoành hành khắp các quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Croatia, thiêu rụi nhà cửa và đe dọa sinh kế của người dân. Các quốc gia trên khắp Nam Âu cũng đã phải hứng chịu một loạt các trận cháy rừng.
Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan – giới khoa học đồng nhất khẳng định. Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cũng từng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn.
“Mỗi đợt sóng nhiệt mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay đều có cường độ mạnh hơn và tần suất dày hơn do tác động của biến đổi khí hậu”- nhà khí hậu học Friederike Otto thuộc Đại học Hoàng gia London khẳng định. Một nghiên cứu của tổ chức Nghiên cứu Giới hạn Khí hậu Thế giới (WWA) đã nhận định rằng chính con người đã đóng một vai trò hoàn toàn áp đảo trong việc gây nên những đợt nóng gay gắt. Còn nhà khoa học khí hậu Sonia Seneviratne của ETH Zurich thì cho biết: “Trung bình trên đất liền, những đợt nắng nóng cực đoan vốn xảy ra 10 năm một lần nếu không có sự tác động của con người đến khí hậu, giờ đây xảy ra thường xuyên hơn gấp 3 lần”.
Nhiệt độ chỉ ngừng tăng khi con người ngừng tạo ra khí thải nhà kính
Trước nguy cơ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những “mùa hè tột cùng”, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas đã từng cảnh báo: “Thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên trong điều kiện khí hậu nóng lên đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách ngày càng tăng của việc cắt giảm khí thải nhà kính càng sớm, càng quy mô càng tốt”. Còn nhiều nhà khoa học thì thẳng thắn chỉ rõ: Nhiệt độ chỉ ngừng tăng khi con người ngừng tạo ra khí thải nhà kính.
Với riêng châu Âu, khi những hệ lụy từ biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, quyết tâm cắt giảm lượng khí thải nhà kính đã được đặt ra từ lâu. Mới đây nhất, ngày 6/2/2024, Ủy ban châu Âu (EC) thông tin, Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040.
Cụ thể, theo dự thảo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, mục tiêu cho tới năm 2040 gồm tìm cách duy trì các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đáp ứng cả mục tiêu dài hạn là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chấm dứt sự đóng góp liên tục của châu Âu vào biến đổi khí hậu, cũng như mục tiêu khí hậu hiện tại vào năm 2030. Theo dự thảo, ngành nông nghiệp được cho là sẽ giảm 30% lượng khí thải không phải CO2 so với mức năm 2015 vào năm 2040.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, bảy quốc gia – chiếm gần một nửa sản lượng điện của EU, trong đó có Đức, Hà Lan và Pháp đã cam kết loại bỏ các nhà máy điện phát thải CO2 khỏi hệ thống điện vào năm 2035. Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã chính thức thông qua luật cấm bán ôtô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong EU từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Chinh phục Net Zero: Hành trình không dễ dàng
Trong hành trình biết mục tiêu cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040, đưa lượng phát phát thải ròng về mức zero (Net Zero) vào giữa thế kỷ, tiền được cho là yếu tố quan trọng trước hết.
Trong bản thảo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, EU sẽ cần phải đầu tư khoảng 1,5 nghìn tỷ euro mỗi năm trong giai đoạn 2031 – 2050 để cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040. Trong đó, một phần đáng kể của khoản đầu tư này phải được chi cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng đối với công nghệ thu giữ carbon.
Cách đó 3 năm, năm 2021, Tòa Kiểm toán châu Âu (ECA) trong một báo cáo đã cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cần đầu tư 1.000 tỷ euro/năm để chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050. Cũng theo ECA, EU đã đặt mức đầu tư tối thiểu cho khí hậu tương ứng 30% ngân sách của khối EU (khoảng 1.074 tỷ euro) và 37% quỹ phục hồi EU (850 tỷ euro), nhưng con số này vẫn chưa đủ.
Ngoài câu chuyện tiền, việc dung hòa giữa hai mục tiêu môi trường và kinh tế cũng là nỗi khó nữa của EU trên hành trình chinh phục mục tiêu Net Zero. Làn sóng biểu tình gay gắt của nông dân lan rộng khắp châu Âu thời gian qua là minh chứng cho điều này. Gốc rễ của những đợt biểu tình là tác động của những cam kết về khí hậu của EU với người nông dân nằm trong bản cam kết có tên gọi “Thỏa thuận Xanh”. Theo thỏa thuận này, châu Âu buộc các nước thành viên EU phải thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp, với các mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu cũng như phát triển nông nghiệp hữu cơ hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, theo những người biểu tình, Thỏa thuận Xanh là chìa khóa để EU đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng lại đòi hỏi nông dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao, trong khi các quốc gia EU chưa đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho nông dân.
Điều này đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn. Đơn cử như việc Chiến lược Farm to Fork (Từ trang trại đến bàn ăn), trọng tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu, với các mục tiêu tham vọng mà nông nghiệp EU cần đạt được vào năm 2030 như giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu và 20% lượng phân bón, chuyển đổi ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp sang canh tác hữu cơ đã tác động mạnh tới cung cách sản xuất của người nông dân châu lục này.
“Có quá nhiều quy định buộc nông dân phải tuân theo. Chúng tôi ngày càng phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn hơn, đáp ứng nhiều yêu cầu hơn trong khi lợi nhuận ngày càng ít đi. Chúng tôi không thể sống bằng nghề nông nữa” – ông Jean-Jacques Pesquerel, một nông dân Pháp 61 tuổi bày tỏ.
Chỉ vài viện dẫn để thấy, hành trình chinh phục Net Zero – cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040 – của lục địa già còn quá nhiều chướng ngại không dễ vượt qua. Nhưng chinh phục Net Zero hay chuyển đổi thành lục địa xanh, vẫn phải là điều buộc phải đạt được, để giảm thiểu những hệ lụy khôn lường từ biến đổi khí hậu.
Nguyễn Hà