Trong hai ngày họp, hội nghị bộ trưởng G7 ở Sapporo tập trung xác định các biện pháp hướng tới mục tiêu đưa phát thải carbon của khối này về mức zero ròng vào năm 2050 bằng cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo hãng tin Kyodo, trong tuyên bố chung, các bộ trưởng khẳng định cam kết khử carbon hoàn toàn hoặc phần lớn ngành điện vào năm 2035. Lần đầu tiên, họ nhất trí loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch chưa được xử lý để giảm cường độ carbon, bao gồm than và dầu khí trong ngành điện.
Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng cho rằng đầu tư vào lĩnh vực khí đốt, theo cách phù hợp với các mục tiêu khí hậu, có thể là sự lựa chọn phù hợp hiện nay để ứng phó rủi ro thiếu hụt nguồn cung do tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine. Nhật Bản, nước phụ thuộc vào nhập khẩu hầu hết nhu cầu năng lượng, muốn sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm nhiên liệu chuyển tiếp trong ít nhất 10-15 năm.
Các bộ trưởng cũng đồng ý đến năm 2035 hoặc sớm hơn, giảm lượng phát thải carbon từ xe cộ ít nhất 50% so với mức phát thải của năm 2000.
Nhật Bản, nước chủ nhà, đã rất thận trọng khi đưa ra các mục tiêu con số cụ thể về lượng phát thải carbon vì xe chạy xăng và xe lai sạc điện (hybrid) vẫn là thế mạnh của các hãng xe trong nước.
Đảm bảo an ninh năng lượng là chủ đề quan trọng trong chương nghị sự quan trọng của các bộ trưởng G7 sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine châm ngòi cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu hồi năm ngoái.
Giá dầu khí tăng mạnh sau cuộc xung đột đó, khiến một số nước chuyển sang sử dụng than đá và khí đốt để sản xuất điện, làm chậm nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.
“Ban đầu, mọi người cho rằng hành động bảo vệ khí hậu đồng thời với bảo đảm an ninh năng lượng sẽ xung đột nhau. Nhưng trong cuộc thảo luận và trong tuyên bố chung, chúng tôi đã cho thấy rằng hai mục tiêu này thật sự hòa hợp với nhau”, Jonathan Wilkinson, Bộ trưởng Tài nguyên Canada, nói.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng G7 nhất trí đến năm 2030, tăng công suất điện gió xa bờ của khối thêm 150 GW và công suất điện mặt trời thêm hơn 1 TW (1.000 GW). Theo Nikki Asia, các con số này sẽ giúp công suất điện mặt trời và điện gió xa bờ của G7 vào năm 2030 tăng lần lượt gấp 3 và 7 lần so với năm 2021.
“Các cam kết tăng công suất điện mặt trời và gió của G7 là lời khẳng định về tầm quan trọng của năng lượng sạch trong nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”, Dave Jones, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu của tổ chức tư vấn năng lượng Ember (Anh), nói.
Dù cam kết dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng các bộ trưởng của G7 không đưa ra thời hạn cụ thể để chấm dứt sử dụng năng lượng than. Anh và Canada muốn các nước G7 chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2030. Nhưng Nhật Bản không đồng ý đưa khung thời gian cụ thể do quốc gia nghèo tài nguyên cần phải dựa vào năng lượng than trong ít nhất hai thập niên nữa.
G7 tự xác định khối này đóng vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh toàn cầu để khử carbon. Do vậy, tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 sẽ gửi tín hiệu chính trị quan trọng để tác động đến các cuộc đối thoại về năng lượng và khí hậu đa phương trong thời gian còn lại của năm nay. Việc G7 không đặt ra thời hạn dừng sử dụng than để sản xuất điện có thể làm suy yếu quyết tâm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của cộng đồng quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh COP28 về khí hậu quan trọng của Liên hợp quốc diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) vào cuối năm nay.
Khánh Lan (Theo Kyodo, Bloomberg, Reuters)