Chuyển đổi xanh để tiếp cận thị trường tốt hơn
Sự kiện Phát triển bền vững 2024 có chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” nằm trong chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Dự kiến diễn ra vào ngày 19/9 sắp tới tại TPHCM, Diễn đàn Kinh tế Xanh năm nay còn là nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán tín chỉ carbon.
Tại sự kiện này, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng thảo luận những vấn đề về nguồn vốn để đẩy nhanh tiến trình Net Zero, các xu hướng mới trong phát triển kinh tế xanh, hành trình xây dựng thị trường xanh.
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Chính phủ đề ra, tại sự kiện Phát triển bền vững 2024, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ quy tụ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý… cùng thảo luận những vấn đề trọng tâm, thiết thực xung quanh chiến lược cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu.
Cuộc đua chuyển đổi xanh, hướng tới Net Zero đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cam kết của Chính phủ cùng trách nhiệm và áp lực của doanh nghiệp, buộc phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh, sản xuất xanh nhằm đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Hiện tại, Net Zero, Phát triển xanh hay Phát triển bền vững không chỉ là những cụm từ “viral”, để cộng đồng doanh nghiệp thấy cần phải thực hiện nếu muốn tiếp cận thị trường tốt hơn mà rất nhiều doanh nghiệp đã thực hành thực sự và đang bước mạnh mẽ trên tiến trình chuyển đổi xanh.
Kết nối người mua và người bán tín chỉ carbon
Một sự kiện khá đặc biệt được tổ chức tại Diễn đàn Kinh tế Xanh và tổ chức gặp gỡ giữa người mua và người bán tín chỉ carbon để trao đổi về cơ hội hợp tác cũng như những vấn đề mà mỗi bên đang đối mặt khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Điểm nhấn của sự kiện này là người mua và người bán sẽ đưa ra ý kiến, đề xuất để góp phần xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam thông qua các cuộc trao đổi trực tiếp với sự kết nối của người dẫn chuyện.
Để doanh nghiệp cùng Chính phủ có thêm nguồn lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nguồn tài chính đến từ thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện tại, các bộ, ngành đang xây dựng các quy định liên quan đến sàn giao dịch tín chỉ carbon, với mục tiêu đưa vào thử nghiệm trong năm 2025, sau đó sẽ hoàn thiện chính sách để vận hành chính thức vào năm 2028.
Trong khi chờ đợi sàn giao dịch này ra đời, thời gian qua, một số dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập đã được các đơn vị giao dịch theo cơ chế tự nguyện đã xuất hiện.
Trong chương trình này, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương có nhu cầu mua – bán tín chỉ carbon sẽ trao đổi những thông tin về nhu cầu mua – bán, giá cả, hình thức thanh toán, cách hợp tác.
Người mua – người bán sẽ trao đổi về những chính sách cần có để xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp và tổ chức trong nước, quốc tế có thể tham gia thị trường này mạnh mẽ hơn.
(Thông tin chi tiết về sự kiện, xin vui lòng liên hệ cô Thu Trà qua số điện thoại 0932 571301 hoặc email: thutra@thesaigontimes.vn)
Thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững
Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 560/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững. Đây là một chuyển động mới của Chính phủ Việt Nam trong việc khẳng định chính sách nhất quán trong thực hiện cam kết tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các ủy viên hội đồng là đại diện lãnh đạo nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia.
Hội đồng sẽ giúp Chính phủ triển khai các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững tại Việt Nam bao gồm Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và tổ chức định kỳ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.
Nguyên Tân