
Hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Tại Việt Nam, vai trò của các công nghệ linh hoạt hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch điện VIII, được phê duyệt vào năm 2023.
Theo bản quy hoạch, mục tiêu ban đầu là bổ sung 300 MW nguồn nhiệt điện linh hoạt vào năm 2030 và có thể đạt tới 46.200 MW vào năm 2050. Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo tính ổn định và khả năng vận hành an toàn cho lưới điện quốc gia trong bối cảnh tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống điện truyền thống. Các nguồn năng lượng này có đặc điểm không liên tục và phụ thuộc vào thời tiết, khiến hệ thống điện đòi hỏi phải có tính linh hoạt cao hơn để điều chỉnh và cân bằng cung – cầu.
Để giải quyết vấn đề này, bản dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, công bố vào đầu tháng 2/2025, đã đưa ra đề xuất tăng công suất nguồn nhiệt điện linh hoạt lên 3.000 MW vào năm 2030. Sự điều chỉnh này là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc nâng cao tính linh hoạt nhằm hỗ trợ tích hợp hiệu quả năng lượng tái tạo, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) của Bộ Công Thương chiều ngày 12/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện Mặt Trời áp mái.
Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.
Theo ông, 3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng, gồm: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.
Giải pháp cho sự ổn định lưới điện
Mới đây, Tập đoàn công nghệ Wärtsilä đã ra mắt động cơ 46TS thế hệ mới, được thiết kế để cân bằng năng lượng tái tạo, cung cấp công suất chạy nền với hiệu suất cao và có thể chạy bằng nhiên liệu bền vững trong tương lai.
Wärtsilä 46TS là dòng động cơ lớn được phát triển dựa trên nhiều mẫu động cơ dành cho nhà máy điện đã được kiểm chứng với độ tin cậy cao, bao gồm nền tảng động cơ Wärtsilä 50. Động cơ W50 là một trong những động cơ phát điện thành công nhất thế giới từ trước đến nay, đã vận hành 55 triệu giờ trên toàn thế giới kể từ năm 2008.
Việc sử dụng động cơ đốt trong để hỗ trợ cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định là giải pháp có tính khả thi hơn để hệ thống điện đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” so với việc chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn điện linh hoạt có thể giảm chi phí, khí thải và nhu cầu sử dụng đất, như được chia sẻ trong báo cáo mô phỏng hệ thống điện toàn cầu gần đây của Wärtsilä – Giao lộ trên hành trình Net Zero, với việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn điện linh hoạt trong việc thực hiện chuyển đổi năng lượng.

Ông Anders Lindberg, Chủ tịch mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä chia sẻ chuyển đổi năng lượng không thể đạt được chỉ với năng lượng tái tạo, chúng ta cần các động cơ linh hoạt với hiệu suất cao để hỗ trợ năng lượng gió và mặt trời trong những thời điểm sản lượng thấp. Động cơ linh hoạt 46TS đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu đó, việc mở rộng công nghệ hiện có của chúng tôi sẽ giúp cho việc cân bằng năng lượng tái tạo hiệu quả hơn với nguồn công suất nền ở hiệu suất cao hơn.
“Động cơ này được xây dựng dựa trên 85 năm kinh nghiệm về công nghệ động cơ đốt trong của chúng tôi, kết hợp tất cả những gì đã tích lũy được để phát triển giải pháp mới nhất và tuyệt vời nhất của chúng tôi. Động cơ Wärtsilä 46TS được thiết kế để có thể đáp ứng nhiên liệu bền vững trong tương lai, đảm bảo rằng khi loại hình nhiên liệu này sẵn sàng, những động cơ này có thể đóng vai trò thiết yếu trong một hệ thống 100% điện tái tạo”, ông nói.
Như vậy, việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia không chỉ là giải pháp chiến lược cho việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đầu tư và phát triển các công nghệ linh hoạt là điều kiện không thể thiếu.
Sự gia tăng công suất nguồn nhiệt điện linh hoạt từ 300 MW lên 3.000 MW trong bản dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là bước đi mang tính chiến lược. Điều này không chỉ giúp nâng cao tính ổn định cho hệ thống điện mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Những thay đổi trong Quy hoạch điện VIII là dấu hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ của hệ thống điện Việt Nam hướng tới sự linh hoạt và bền vững. Với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, hệ thống điện quốc gia sẽ ngày càng thích ứng tốt hơn với sự gia tăng của năng lượng tái tạo, từ đó giúp Việt Nam hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á.
Nguyên Long