Phóng viên: TPHCM là địa phương đi tiên phong cả nước trong việc phát triển xe điện. Ông đánh giá thế nào về lợi ích môi trường từ loại phương tiện này?
Ông Phan Ngọc Ánh: – Dùng xe điện là xu hướng giao thông xanh, sạch mà thế giới đang hướng đến. Ở TPHCM, xe điện dần trở nên phổ biến khi đã có doanh nghiệp sản xuất xe điện và người dân bắt đầu quan tâm đến loại phương tiện này. Thành phố cũng có tuyến xe buýt điện đầu tiên, sắp tới là tuyến metro chạy bằng điện.
Tuy chạy bằng điện nhưng tôi cho rằng vẫn chưa hoàn toàn là giao thông xanh khi nguồn điện để sử dụng cho các phương tiện này chưa thật sự sạch. Theo thống kê, điện lưới của Việt Nam có đến 60% là điện than đá, nghĩa là khi chúng ta gia tăng số xe điện ở TPHCM thì nhà máy nhiệt điện ở đâu đó trên đất nước này đang phải đốt nhiều than đá hơn. Và lượng khí thải ra ở các tỉnh, thành khác sẽ gây ô nhiễm chung cho bầu khí quyển, nghĩa là chúng ta đang chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.
– Tôi cho rằng, cần chú trọng đến việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Chúng ta có thể xây dựng các trạm sử dụng điện mặt trời để sạc pin cho xe điện, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch 100%. Các trạm này có thể sử dụng hạ tầng hiện hữu ở các bến xe, nhà chờ, các bãi giữ xe của đơn vị công ích. Ngoài ra, có thể mở các trạm đổi pin cho xe máy mà không cần phải sạc.
Hiện có những công ty đủ trình độ công nghệ để sản xuất các loại pin xe điện đạt chuẩn, sau đó thực hiện quy trình thu hồi, tái sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của thế giới. Chính quyền thành phố có thể tổng hợp tất cả dữ liệu điện sạch này để đăng ký và phát hành chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC hoặc CO2) đối với phần điện mặt trời mái nhà và phần điện sử dụng cho xe máy. Nghĩa là một công đôi việc.
Nếu được hỗ trợ cơ chế cung cấp mặt bằng để phát triển các trạm đổi pin, tôi tin rằng, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư. Mặt bằng này có diện tích vừa và nhỏ như máy bán nước tự động. Đồng thời, các cấp thẩm quyền cần ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cho các doanh nghiệp tư vấn phát triển xe điện và các trạm lắp đặt điện mặt trời.
Việc mở rộng hệ thống sạc điện sạch hoặc đổi pin xe điện sẽ giúp người dân tiếp cận hiệu quả với hạ tầng xe điện, đồng thời giúp tăng sử dụng năng lượng tái tạo, giúp thành phố chuyển đổi năng lượng xanh đúng nghĩa hơn, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
TPHCM có hơn 9,2 triệu phương tiện giao thông cơ giới. Việc chuyển đổi hiệu quả cả về phương tiện và năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích như thế nào, thưa ông?
– Nếu có chính sách hiệu quả từ nguồn lực của TPHCM và sự hỗ trợ quốc tế, trong đó có WB, có thể thu hút, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe điện, từ đó giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường do khí thải của các phương tiện giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 1 xe máy di chuyển 10.000 km/năm sẽ phát thải 625kg CO2/năm. Nếu chuyển đổi sang 10.000 xe điện/năm, sẽ giảm 6.250 tấn CO2; nếu chuyển đổi sang 100.000 xe máy điện/năm, sẽ giảm 62 triệu tấn CO2/năm. Tính trên con số hàng triệu xe của TPHCM, con số giảm phát thải các bon là cực kỳ lớn.
Xin cảm ơn ông!
Linh Hoa (thực hiện)