Ngày 22/8, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến Việt Nam. Khí nhà kính được coi là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Hiện nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
Cụ thể, nền nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%. Các lĩnh vực khác chiếm 18%.
Tại Việt Nam, lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mêtan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Với cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, việc áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp giảm phát thải là vô cùng cấp thiết. Các biện pháp này bao gồm áp dụng các kỹ thuật canh tác bảo vệ đất, giảm sử dụng phân bón hóa học, phát triển chăn nuôi bền vững và xử lý chất thải nông nghiệp hiệu quả.
Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận là một trong những địa phương chịu tác động mạnh của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán thường xuyên xảy ra. Những năm gần đây, địa phương đã đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, minh chứng rõ nhất là diện tích về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhân rộng.
Thống kê trong năm 2023 vừa qua, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Thuận đạt 565 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 938 triệu đồng/ha/năm, riêng dưa lưới và nho công nghệ cao đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Với Ninh Thuận, thời gian qua một số trang trại như Nắng và Gió thuộc GC Food Group đã thành công trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu.
Bên cạnh các mô hình quy mô lớn, nhiều hộ gia đình đã tự xây dựng cho mình những mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhỏ gọn. Việc nuôi trùn quế, ruồi lính đen và kết hợp trồng trọt, chăn nuôi ngày càng phổ biến hơn, giúp người dân tận dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Để hỗ trợ nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đối với các cây trồng, vật nuôi như: áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; tăng sử dụng bón phân hữu cơ, giảm phân bón hoá học trong canh tác lúa; thu gom và xử lý rơm rạ sau thu hoạch; hướng dẫn ủ phân bón hữu cơ, bón phân cân đối cho các cây trồng; bảo quản và chế biến thức ăn trong chăn nuôi gia súc; sử dụng công nghệ tiên tiến biogas, biomas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi…
Tại tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Duy Điều, Phòng Khuyến nông chăn nuôi thú y thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, điển hình như mô hình trồng trọt hữu cơ kết hợp chăn nuôi lợn, mô hình vỗ béo trâu, bò thịt kết hợp xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh đó, các báo cáo chuyên sâu đã trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất về các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và chuyển đổi sang các mô hình sản xuất tuần hoàn.
Theo các đại biểu, dù các mô hình nông nghiệp giảm phát thải đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Việc thiếu chính sách hỗ trợ, hạn chế về tài chính và nguồn lực, cùng với nhận thức chưa đầy đủ của người dân và doanh nghiệp đang là những rào cản lớn. Bên cạnh đó, việc tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết những vấn đề trên và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp như Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực để phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.
Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng công nghệ thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền.
Đồng thời, các địa phương tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải để giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Nguyễn Thành (TTXVN)