Tạo tín chỉ carbon từ canh tác lúa
Tỉnh Nghệ An sẽ triển khai dự án tạo tín chỉ carbon từ canh tác lúa. Đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như trong cả nước để lấy tín chỉ carbon trong trồng lúa, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA.
Theo dự án này, dự kiến mùa đầu tiên, sẽ có khoảng 24.000 hộ nông dân thuộc các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương và Diễn Châu…của tỉnh Nghệ An tham gia, với trên diện tích 6.000 ha lúa.
Dự án này không chỉ giúp Nghệ An phát hành tín chỉ carbon thông qua canh tác lúa, nông dân sẽ tăng thu nhập thông qua việc đạt tín chỉ carbon trong trồng lúa, mà còn đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật , thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh chia sẻ: Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ carbon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có sự phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, quy hoạch vùng, từ đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh có diện tích sản xuất lúa 180.000 ha/năm, có tiềm năng lớn trong giảm phát thải, ước khoảng 1,44 triệu t-CO2e.
Giảm phát thải khí mê tan
Là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực triển khai các giải pháp canh tác lúa bền vững, trong đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Để giảm thiểu phát thải NNK, hiện nay ngành NN&PTNT tỉnh này đang đẩy mạnh các giải pháp như sử dụng nước hiệu quả, giảm mật độ cây giống trong gieo sạ, tỷ lệ bón phân hữu cơ cân đối, thu hoạch rơm rạ đúng cách… Hàng năm, các huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn khác góp phần giảm phát thải KNK.
Giảm mạnh phát thải khí nhà kính gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon trong nông nghiệp cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới.
Các giải pháp được Đăk Lắk đưa ra là thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch). Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng.
Thời gian qua, Đắk Lắk đã xây dựng và thực hiện mô hình thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon (doanh nghiệp triển khai mô hình), mô hình lúa đang thí điểm tại Đắk Lắk được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất. Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt, khô xen kẽ của Viện Lúa quốc tế IRRI, kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Mô hình này sẽ giúp sản xuất lúa giảm sự phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học lên đến hơn 40%; tăng năng suất từ 15 – 20%; thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất canh tác lúa, gạo sạch hơn… Hiện nay, nhiều vùng trồng lúa ở Đắk Lắk hiện có hệ thống thủy lợi khá tốt nên tỉnh hoàn toàn có cơ sở để mở rộng diện tích thực hiện mô hình sản xuất lúa giảm phát thải carbon.
Ngày 11/1, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm “Giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh, giảm phát thải và tăng năng suất”. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk sẽ nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa kỹ thuật mới. Bởi một ha lúa trồng theo kỹ thuật mới mỗi vụ có thể giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương từ 3 – 3,25 tấn carbon, và doanh nghiệp sẽ thu mua lượng phát thải này với giá 20 USD/ tấn CO2tđ. Theo đó, tới đây, Sở NN&PTNT Đắk Lắk sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon để xây dựng khung chương trình cụ thể cho việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.
Khánh Anh