Đây là chia sẻ của CEO Phạm Minh Thắng – KS, MBA, P&Q Solutions, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Thưa ông, chuyển dịch sang năng lượng xanh sẽ đóng góp vai trò như thế nào trong mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp?
– Khi chưa sử dụng năng lượng tái tạo, thì nguồn năng lượng từ hóa thạch là một yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất và cũng là một nguồn phát thải, trực tiếp và gián tiếp về khí thải, đặc biệt là phát thải chứa thành phần gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
Để giảm phát thải, các doanh nghiệp hiện nay có hai lựa chọn chính là tiết giảm trong sử dụng năng lượng và chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Trong đó tiếp cận tiết giảm sử dụng năng lượng như cải tiến hiệu suất, tuần hoàn và tận dụng nhiệt dư, thường cần có sự đầu tư, nỗ lực cải tiến về dây chuyền, công nghệ. Bên cạnh đó, chuyển dịch sang năng lượng xanh sẽ cho kết quả tiết kiệm về chi phí sản xuất, vận hành và rút ngắn lộ trình nhanh nhất cho doanh nghiệp khi có nhu cầu giảm phát thải.
Vì vậy, trong dài hạn, để đạt mục tiêu phát triển bền vững và giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu thì chuyển dịch sang năng lượng xanh sẽ là yếu tố tất yếu không thể bỏ qua trong lộ trình của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn hiện tại, có hai hình thức chuyển dịch năng lượng nhanh cho doanh nghiệp sản xuất là dần chuyển từ năng lượng nguồn gốc hóa thạch sang sử dụng phần nào nguồn năng lượng từ sinh khối và điện mặt trời. Năng lượng sinh khối được sử dụng thay thế than và dầu diesel cho vận hành lò hơi tại một số lĩnh vực sản xuất.
Tương tự như vậy, nguồn điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng là nguồn năng lượng xanh thay thế một phần cho nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng sinh khối có phạm vi áp dụng hạn chế do không phải doanh nghiệp nào cũng dùng hơi nước và có dùng cũng chỉ ở mức độ giới hạn. Do đó tiềm năng chính trong chuyển dịch năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất cần tính đến phương án dài hạn như sử dụng năng lượng điện mặt trời để thay thế một phần nguồn điện từ hệ thống trong sản xuất.
Với vai trò là chuyên gia cố vấn và huấn luyện chuyển đổi doanh nghiệp, ông nhận thấy doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nào trong việc chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo?
– Hiện tại, ở Việt Nam chưa hình thành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh và theo tôi trong thời gian tới khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo đối với các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc chuyển dịch năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất sẽ phụ thuộc vào các sáng kiến và giải pháp ở các cấp doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến những khó khăn liên quan đến nguồn vốn đầu tư và các chính sách phát triển lĩnh vực này:
Thứ nhất về tài chính, với suất đầu tư dao động khoảng 10 tỉ đồng cho mỗi MW công suất điện mặt trời mái nhà sẽ rất khó cho các các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn để đầu tư. Do đó rất cần có chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Vì hiện có một số tổ chức tín dụng vẫn còn có quy định chưa được cởi mở cho doanh nghiệp có nhu cầu chuyển dịch sang năng lượng tái tạo được tiếp cận nguồn vốn. Ví dụ yêu cầu về tài sản thế chấp đang là một rào cản lớn với doanh nghiệp.
Thứ hai, giới hạn về tổng công suất các dự án điện mái nhà có kết nối với lưới điện của EVN được phân bổ cho từng tỉnh theo Quyết định 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ngày 01/4/2024 cũng tạo ra các rào cản cho đăng ký của các doanh nghiệp trước khi triển khai lắp đặt phù hợp với quy hoạch được phân bổ.
Thứ ba, sự chưa rõ ràng về cơ chế mua bán điện mặt trời dư lên mạng lưới cũng gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch sang điện mặt trời, vì làm giảm tính hiệu quả của dự án đầu tư, đặc biệt là với những đơn vị có nhu cầu diện tích nhà xưởng lớn nhưng nhu cầu sử dụng năng lượng thấp, ví dụ như may mặc, lắp ráp hay sản xuất khác…
Vậy ông đánh giá như thế nào về chủ trương, kế hoạch hành động giảm phát thải của đa phần các doanh nghiệp SME hiện nay?
– Mặc dù nhìn về dài hạn, giảm phát thải sẽ không chỉ là một lựa chọn mà sẽ là điều mà các doanh nghiệp đều cần phải thực thi, đa phần các doanh nghiệp SME hiện tại chưa có kế hoạch hành động rõ ràng, nhất quán và được thực hiện kiên trì cho lĩnh vực này. Phần lớn các doanh nghiệp SME vẫn đang tiếp cận thụ động mang tính phản ứng buộc phải sử dụng đối với các yêu cầu pháp luật và yêu cầu từ khách hàng.
Tuy vậy, chúng tôi tin rằng một khi các khó khăn nêu trên được tháo gỡ, cùng với các chính sách ngày càng cụ thể của Chính phủ và yêu cầu mạnh mẽ từ các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sẽ ngày càng chủ động hơn trong định hướng chiến lược và kế hoạch hành động giảm phát thải của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Thanh (thực hiện)