Để giảm phát thải carbon trong ngành hàng không và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, các hãng hàng không nội địa đang đầu tư vào đội tàu bay mới hiện đại, thân thiện môi trường.
Qua đó, từng bước chuyển dịch trong việc sử dụng nhiên liệu sạch, góp phần chuyển đổi sang hàng không bền vững.
Phó giám đốc Kelvin Lee, Hiệp hội Vận tải hàng không Thế giới (IATA) cho biết: Mục tiêu giảm phát thải bằng 0 (Net Zero) vô cùng quan trọng. Đây cũng là mục tiêu lớn mà 320 hãng hàng không thành viên thuộc IATA hướng đến. Số lượng thành viên IATA chiếm 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu. Tại Việt Nam, ba hãng hàng không lớn gồm có Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airlines cũng là thành viên IATA và theo đuổi mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, Phó giám đốc IATA Kelvin Lee đánh giá mục tiêu Net Zero đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, những rào cản chính được nhận diện bao gồm máy bay có thời gian sử dụng lâu dẫn đến tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, phát triển mẫu máy bay mới cần nhiều thời gian, trong khi các hãng máy bay không có nhiều tiếng nói trong các nghiên cứu để đạt Net Zero.
Mới đây, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông tin: Từ tháng 6/2024, Vietnam Airlines sẽ bổ sung khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Hà Nội và Thượng Hải, Bắc Kinh, bên cạnh các máy bay Airbus A321. Từ tháng 7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng cho tất cả chuyến bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và Thượng Hải.
Với thiết kế tối ưu, các máy bay thân rộng như Boeing 787 và Airbus A350 có thể vận chuyển từ 311-367 hành khách, cùng tải trọng hàng hóa lớn hơn nhiều so với tàu thân hẹp, giúp tạo ra hiệu quả và sức cạnh tranh trên đường bay.
Đáng chú ý, các máy bay thế hệ mới còn đặc biệt thân thiện với môi trường nhờ tích hợp công nghệ tiên tiến giúp giảm nhiên liệu tính trên mỗi ghế và khí thải so với các dòng máy bay thế hệ trước.
Về phía Vietjet liên tục đầu tư vào đội tàu bay những thế hệ tàu bay mới hiện đại, an toàn, thân thiện môi trường. Tính đến thời điểm hiện nay, đội tàu bay của Vietjet gồm 105 tàu bay, bao gồm tàu bay thân rộng A330s, góp phần tối ưu nguồn lực, tiết kiệm nhiên liệu, giúp hãng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (ESG). ESG cũng là mục tiêu chiến lược của hãng trong hướng tới dài hạn.
Tàu bay thứ 105 của Vietjet thuộc thế hệ hiện đại thế giới với dùng Airbus – A321neo ACF có khả năng tiết kiệm nhiên liệu đến 20%, giảm lượng khí thải ra môi trường tới 50% và tiết giảm tiếng ồn đến 75%. Những tàu bay mới này sẽ được đưa vào khai thác ngay trên các đường bay kết nối các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế đến Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Bắt đầu hành trình giảm thải khí carbon từ hơn 10 năm trước, việc phát triển đội tàu bay mới và hiện đại của Vietjet góp phần quan trọng vào việc tối ưu nguồn lực, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải CO2. Hiện tại, đội tàu bay hiện đại của hãng có khả năng tiết kiệm từ 15 – 20% nhiên liệu, cấu hình được tối ưu giúp chuyên chở được nhiều khách hơn và có thể giảm phát thải trên mỗi hành khách so với các hãng khác từ 25 – 30%.
Ngoài ra, mỗi vé máy bay bán ra đang được Vietjet trích 5.000 đồng vào quỹ Fly Green để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển các công nghệ xanh…
Bên cạnh kế hoạch phát triển đội tàu theo hướng hiện đại, nhằm góp giảm phát thải khí carbon, việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (nhiên liệu thay thế làm từ các nguyên liệu sinh học) có thể giảm 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu truyền thống. Nhưng thực tế, nhiên liệu hàng không bền vững còn rất mới tại Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về nhiên liệu hàng không bền vững, có các cơ chế pháp lý phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để vận hành chuỗi cung ứng nhiên liệu bền vững.
Ông Nguyễn Phước Thắng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Giải pháp tốt nhất giảm CO2 là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Tuy nhiên do giá thành cao, nguồn hạn chế nên hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Ban đầu thường giá cao, khi đại trà sẽ rẻ dần. Khi đặt ra vấn đề này, Việt Nam cần một lộ trình tổng thể quốc gia nêu rõ các bộ ngành cần làm gì vì một vài đơn vị khó có thể thực hiện được. Theo đó, cần có lộ trình rõ về các nội dung như mua tín chỉ carbon, sản xuất nguyên liệu bền vững…”.
Ông Nguyễn Phước Thắng thông tin: Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để xin tham gia vào quá trình giảm và bù đắp carbon.
Theo các nghiên cứu chuyên ngành, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu, song là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải carbon nhất trong hoạt động vận tải. Ở lĩnh vực ô tô có thể dễ dàng chuyển sang dùng ô tô điện, nhưng phương án sử dụng điện với tàu bay rất khó khăn.
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực hàng không đã được quy định tại Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh bao gồm từ năm 2027 là nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần nhiên liệu hàng không truyền thống. Lộ trình đến năm 2050 sẽ chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được triển khai bằng cách bù đắp carbon để đạt phát thải ròng bằng 0.
Diệp Anh