Nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp “xanh hóa” nhằm xây dựng hình ảnh một “hãng hàng không xanh”. Vào tháng 5/2023, Vietnam Airlines đã tham gia “Thử thách chuyến bay bền vững” với việc triển khai tặng hành khách túi tái chế từ áo phao cũ, phục vụ suất ăn từ các thực phẩm bền vững và kêu gọi hành khách mang đồ dùng cá nhân thay vì sử dụng các vật phẩm dùng một lần trên chuyến bay như cốc giấy, bàn chải đánh răng, chăn, áo ấm. Gần đây nhất, hãng triển khai thu hồi, tái cấp các sản phẩm thực phẩm khô, dụng cụ dùng một lần đảm bảo chất lượng sau chuyến bay và quyên góp cho tổ chức giải cứu thực phẩm VietHarvest.
Ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ:
“Cái thách thức lớn của Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không để đạt được Net Zero chính là sử dụng nhiên liệu sạch SAF. Cái này hiện tại sản xuất có 0,1% so với nhu cầu của các hãng hàng không. Ngành hàng không phải tìm ra những phương án để có nhiều nhà sản xuất. Chi phí hiện tại để sản xuất SAF gấp 2 đến 3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch hiện tại.”
Tương tự như Vietnam Airlines, hãng hàng không Vietjet cũng đã thực hiện các chuyến bay ít phát thải CO2, đầu tư đội tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh nỗ lực của các hãng hàng không, các cảng hàng không cũng đang nỗ lực triển khai các hệ sinh thái xanh. Mới đây, mô hình A-CDM được đưa vào triển khai tại 2 nhà ga lớn nhất cả nước giúp xác định chính xác thời gian cất cánh, hạ cánh, giảm thiểu được nhiên liệu phải sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiến trình giảm phát thải của hàng không còn tương đối chậm và phía trước còn rất nhiều thách thức cần có sự chung tay vào cuộc từ chính phủ đến các nhà sản xuất tàu bay, các hãng hàng không và hành khách.
Chuyên gia hàng không quốc tế Giáo sư Nawal Taneja nêu quan điểm:
“Ngành hàng không toàn cầu đang phải làm khá nhiều thứ để thân thiện hơn với môi trường. Bất kể phải mất nhiều thời gian như thế nào, kể cả chúng ta chỉ có 1% điều kiện để làm thì chúng ta cũng phải dùng toàn lực, dùng 100% khả năng để giảm phát thải. Tuy nhiên, tôi thấy tiến độ của chúng ta khá là chậm. Chúng ta cần phải có kế hoạch và chiến lược toàn diện hơn. Và chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn, làm từng bước.
Ông Bùi Doãn Nề – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam:
“Đối với hàng không thì có một vấn đề liên quan đến phạm vi lớn hơn về sử dụng khí hydro rồi là điện trong lĩnh vực này. Tuy nó chưa đạt được 0,2% nhưng nó là những tín hiệu mở ra cho các hướng đi trong tương lai khi sử dụng các thiết bị mới cũng như sử dụng nhiên liệu bay tiết kiệm và đảm bảo không ô nhiễm môi trường.”
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hay nhiên liệu hydro là những giải pháp khả thi để ngành hàng không có thể thực hiện mục tiêu Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng thay vì chờ đợi đến thời điểm các nhiên liệu xanh được đưa vào sử dụng hàng loạt thì các hãng hàng không cần thay đổi thân thiện với môi trường từ những vật tư, vật liệu nhỏ nhất, hành khách cũng cần có ý thức hạn chế rác thải khi tham gia di chuyển.
Đỗ Linh