Một trong những mục tiêu được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong năm tới là cải thiện các chỉ số thành phần môi trường. Theo đó, phấn đấu trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30- 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2024 đã chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm, triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều nhóm quy chuẩn môi trường mới.
Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã thể hiện quan điểm, định hướng của Bộ trong gian đoạn tới là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.
Đặc biệt, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ môi trường của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.
Tăng cường quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ hoạt động phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm.
Đặc biệt, Bộ đã ban hành quy định kỹ thuật và định mức kinh tế- kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chỉ đạo toàn ngành thực hiện quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Tập trung triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…); từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông; cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn.
Triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải
Trước xu thế và yêu cầu phát triển, tăng trưởng xanh, phát thải thấp, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật).
Đáng chú ý, Bộ đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát năm 2024 cho các tổ chức. Tham mưu tổ chức Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về triển khai Tuyên bố chính trị, thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tích cực phối hợp hoàn thiện Tuyên bố chung Cộng đồng phát thải ròng bằng “0” Châu Á (AZEC).
Cũng trong năm qua, Bộ đã tham gia phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; tham gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải; phối hợp với Tp.Hồ Chí Minh triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về các nội dung liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thực hiện các cam kết về môi trường do đó cần có lộ trình để nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Tốc độ đô thị hóa và mở rộng các hoạt động sản xuất nhanh đi kèm theo sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm sẽ tạo áp lực rất lớn lên môi trường. Tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra phổ biến với tính chất và mức độ rất phức tạp.
Không những thế, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động hỗ trợ của quốc tế về nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị.
Xây dựng hoàn thiện tiêu chí môi trường và xác nhận với dự án được cấp tín dụng xanh
Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Cùng với đó sẽ chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý.
Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, đầu tư hạ tầng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thực hiện quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên toàn quốc theo quy định;
Có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường (như: đốt thiêu hủy, đốt có thu hồi năng lượng, compost,…) nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025.
Tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Đề xuất chính sách kiểm soát ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa. Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR).
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu sẽ chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozon. Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính các cấp, các giải pháp đẩy mạnh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Tùng Dương