Biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này. Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Ngày 26/07/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ – TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải thấp. Một số địa phương đã tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính. Nhiều Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Các Tập đoàn viễn thông như VNPT, MobiFone đã đồng hành cùng các Bộ, ngành, các doanh nghiệp chuyển đổi số tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
Đồng thời, sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính được coi là một trong những yếu tố quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp vào sản xuất thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững. Ở nhiều quốc gia, dù là nền kinh tế đã phát triển hay đang phát triển, xu hướng đáng chú ý là các tổ chức tài chính, như ngân hàng tư nhân và công ty chứng khoán, phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính xanh như một phần hoạt động kinh doanh. Đây là những kênh cung cấp tài chính tiềm năng cho tiến trình giảm phát thải tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây cũng là đối tượng ưu tiên sẽ được tiếp cận các dòng tài chính xanh nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xanh hóa, giảm cường độ phát thải, góp phần hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, việc cung cấp các thông tin về chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành, các giải pháp liên quan đến giảm phát thải cũng như các thông tin về hỗ trợ tài chính xanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu trung hóa các-bon của toàn bộ nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế xanh và bền vững – Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero“.
Hội thảo nhằm hỗ trợ các Bộ, ngành, doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về xu hướng quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính và các công nghệ, quy trình quản lý liên quan đến chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Đưa ra góc nhìn chuyên sâu nhằm phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính; Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hội thảo sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm thực tế trong huy động tín dụng/tài trợ xanh để hỗ trợ nỗ lực trung hòa carbon.
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)…
Hội thảo “Phát triển kinh tế xanh và bền vững – Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero” sẽ được tổ chức vào 13h ngày 5/6/2024, tại Khách sạn JM Marriot, số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Các nội dung dự kiến được trao đổi tại Hội thảo gồm: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh và năng lượng xanh; Thảo luận về các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; Giới thiệu NATURE WORLD – Mô hình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh…
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ Ban Tổ chức:
Nhà báo Nguyễn Văn Chương
Mobile: 0947.688.623
Email: chuongt24@gmail.com
Hoặc tham khảo tại: https://natureworld.newweb.vn