Hexa Renewables, công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc ) vừa đưa vào hoạt động nhà máy điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới. Công ty đăng tải thông tin này trên mạng xã hội X. Dự án được hỗ trợ bởi quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu I Squared Capital.
Nhà máy điện mặt trời này công suất 373 MWac, được đặt tại huyện Chương Hóa, trên bờ biển phía tây của Đài Loan, đủ cung cấp năng lượng cho khoảng 74.000 hộ gia đình. Giai đoạn đầu tiên của dự án hoàn thành năm 2020, bao gồm hai khu với tổng công suất 181 MWac, do Chenya Energy phát triển.
Khi đó, Chenya Energy là một phần của I Squared Capital, nhà đầu tư của Hexa. Sau khi Chenya Energy thoái vốn vào cuối năm 2020, Hexa tiếp tục giai đoạn hai của dự án với sự hợp tác của chính quyền Đài Loan, bổ sung 192 MWac công suất phát điện.
Theo Hexa Renewables, dự án tiên phong này trải rộng trên bốn lô đất với tổng diện tích 347ha, thể hiện tương lai của sự đổi mới năng lượng tái tạo. Tổng công suất của dự án đạt 373 MWac, khẳng định vị thế là nhà máy điện mặt trời nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Dự án điện mặt trời nổi này đóng góp đáng kể vào mục tiêu khử carbon của Đài Loan, bao gồm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và công suất năng lượng tái tạo 20GW vào năm 2025. Khoảng 74.000 hộ gia đình ở Đài Loan sẽ nhận được năng lượng tái tạo từ dự án này, giúp giảm 136.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Hexa Renewables chia sẻ trên X rằng: “Dự án được xây dựng dựa trên chuyên môn, sự đổi mới và cam kết về tính bền vững. Dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư ở Đài Loan bằng cách tăng cường năng lượng bền vững, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Vào tháng 3, công ty SolarDuck (Hà Lan) cũng công bố dự án trị giá 8,4 triệu Euro để xây dựng một nhà máy điện mặt trời nổi công suất 5 MW trong trang trại gió OranjeWind ngoài khơi bờ biển nước này, sử dụng công nghệ mô-đun tiên tiến.
Nhu cầu năng lượng tái tạo đang tăng cao trên toàn cầu khi các quốc gia nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chi phí điện năng của các công nghệ năng lượng mặt trời và gió đang giảm dần, tuy nhiên nhược điểm của chúng là tốc độ chuyển đổi năng lượng chậm hơn.
Các nhà máy năng lượng mặt trời và gió cần diện tích đất rộng lớn để sản xuất đủ điện năng đáp ứng nhu cầu. Diện tích đất liền của thế giới đang được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm nhà ở, nông nghiệp và công nghiệp. Giải pháp điện gió ngoài khơi được triển khai với các turbine lớn hơn, tận dụng sức gió mạnh hơn để sản xuất năng lượng sạch. Xu hướng đưa các dự án năng lượng mặt trời ra ngoài khơi cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
71% diện tích bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, tạo cơ hội xây dựng các thiết bị thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời dồi dào. Các công ty đang quan tâm đến việc lắp đặt trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi ở những khu vực được gọi là “vành đai Mặt trời”. Những khu vực này, như vùng Caribe, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Oman, có nhiều ánh nắng nhưng lại khan hiếm gió.
Với diện tích đất liền hạn chế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn trở nên quá tốn kém. Tuy nhiên, vùng biển lân cận lại là địa điểm lý tưởng cho điện mặt trời ngoài khơi.
Quốc Thái (Theo Interesting Engineering)