“Cơn sốt” của Trái Đất
Theo các nhà khoa học, lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại: 54 tỷ tấn CO2 bị thải ra hàng năm. Nhân loại đã khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất ấm lên 1,14°C kể từ cuối những năm 1800 – và sự nóng lên này đang gia tăng với tốc độ chưa từng có trên 0,2°C mỗi thập kỷ.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên đất liền (thứ mà nhà khoa học khí hậu gọi là nhiệt độ bề mặt đất tối đa) đang tăng nhanh gấp đôi. Và chính những nhiệt độ này có liên quan nhiều nhất đến mức nhiệt kỷ lục mà mọi người đang cảm thấy, cũng như trực tiếp gây ra các vụ cháy rừng diện rộng cùng nhiều thảm họa liên quan khác.
Những thay đổi này đồng nghĩa với việc “ngân sách carbon” còn lại cho mức tăng 1,5°C – lượng CO2 mà toàn cầu vẫn có thể thải ra và 50% khả năng giữ nhiệt độ tăng lên 1,5°C – hiện chỉ còn khoảng 250 tỷ tấn.
Ở mức phát thải hiện tại, chúng (250 tỷ tấn) sẽ bị phát thải hết trong vòng chưa đầy 6 năm!
Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết, thế giới cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero emissions) vào năm 2050 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp – AP thông tin.
Đây là những phát hiện của một báo cáo mới mà Piers Forster – Giáo sư Biến đổi Khí hậu Vật lý; Giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc tế Priestley, Đại học Leeds (Anh) đã công bố cùng với 49 nhà khoa học khác từ khắp nơi trên thế giới. Báo cáo đưa ra những thay đổi gần đây nhất về khí thải, nhiệt độ và dòng năng lượng trong hệ thống Trái Đất.
Biến đổi khí hậu nhân tạo: Nhiều mối nguy hiểm
Trong Báo cáo Đánh giá lần thứ sáu, công bố hồi tháng 3/2023, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) một lần nữa đã nâng tầm cho những lo ngại của mình, rằng mỗi sự gia tăng của sự nóng lên toàn cầu sẽ tăng cường nhiều mối nguy hiểm đồng thời.
IPCC đưa ra những dự đoán về “cơn sốt” trên hành tinh của chúng ta, bao gồm:
– Gia tăng nguy cơ khí hậu (độ tin cậy từ trung bình đến cao, tùy thuộc vào khu vực và nguy cơ).
– Ngập lụt ở các thành phố và khu vực ven biển và vùng trũng thấp khác (độ tin cậy cao).
– Sản xuất lương thực giảm ở một số vùng (độ tin cậy cao).
– Sự gia tăng về tần suất và cường độ mưa lớn (độ tin cậy cao) sẽ làm tăng lũ lụt cục bộ do mưa gây ra (độ tin cậy trung bình).
CBC dẫn lời các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang phá vỡ các kiểu thời tiết cơ bản của nhiều khu vực theo một số cách quan trọng — với thời tiết nóng hơn, mưa ít hơn và nhiều cơn bão nhiệt đới hơn…
Đây là ví dụ:
1. Biến đổi khí hậu đang khiến các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ hơn ở khu vực Atlantic Canada [vùng phía Đông Canada bao gồm các tỉnh nằm trên bờ biển Đại Tây Dương, ngoại trừ Quebec], vốn thường ôn hòa và ẩm ướt. Các vụ hỏa hoạn kỷ lục ở tỉnh Nova Scotia (Canada) xảy ra như một cú sốc ở một khu vực được biết đến với thời tiết ẩm ướt.
Thậm chí, các nhà khoa học dự báo các kiểu thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu dễ gây hỏa hoạn có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần ở khu vực Atlantic Canada vào năm 2080.
Giống như phần còn lại của Canada, Atlantic Canada đang trở nên nóng hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Theo dự báo, nhiệt độ mùa hè ở các tỉnh Maritime và Newfoundland và Labrador có thể cao hơn 2-4 độ C so với bình thường vào năm 2050.
2. Trong khi đó…
Ngày 11/6/2023, bờ biển vịnh Texas (Mỹ) chứng kiến thảm cảnh hàng chục nghìn con cá chết dạt vào bờ biển. Chuyên gia lo ngại, sẽ còn hàng chục nghìn xác cá nữa trôi dạt vào bờ, New York Times thông tin.
Theo Katie St. Clair, Giám đốc cơ sở sinh vật biển tại Đại học Texas A&M ở Galveston (Mỹ), nói rằng sự ấm lên của nước ven vịnh do biến đổi khí hậu có thể góp phần vào việc giết chết cá.
“Sự nóng lên toàn cầu khiến nước đại dương nóng lên theo. Và nước ấm chứa ít oxy hơn nhiều so với nước lạnh” – Katie St. Clair giải thích.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã kết luận vào năm 2019 rằng nước biển ấm lên đã làm tăng tỷ lệ thiếu oxy – hoặc nồng độ oxy thấp – ở vùng nước ven biển, đe dọa quần thể cá. Ngoài các trường hợp thiếu oxy cục bộ, một “vùng chết” rộng lớn của nước kéo dài hàng ngàn dặm vuông được biết đã hình thành ở Vịnh Mexico trong những tháng mùa hè.
Quay lại báo cáo của Piers Forster – Giáo sư Biến đổi Khí hậu Vật lý; Giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc tế Priestley, Đại học Leeds (Anh), tập thể các nhà khoa học đã thu thập bằng chứng về tất cả lượng khí thải nhà kính và những thay đổi của chúng trong đại dịch Covid-19. Từ đó, xây dựng bằng chứng để định lượng sự thay đổi nhiệt độ do hoạt động của con người gây ra.
Điều này cho chúng ta biết thế giới sắp vi phạm mục tiêu dài hạn là giữ nhiệt độ ở mức 1,5°C theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đặt ra như thế nào và chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu đó nhanh như thế nào.
Trong những năm gần đây, khí nhà kính tăng mạnh nhưng ô nhiễm đã giảm trên toàn thế giới. Cả hai xu hướng này kết hợp để làm ấm khí hậu. Các nhà khoa học đánh giá rằng điều này đang gây ra tốc độ nóng lên toàn cầu cao nhất từ trước đến nay – hơn 0,2°C mỗi thập kỷ.
Họ kêu gọi cộng đồng khoa học dốc sức theo dõi các hiện tượng khí hậu cực đoan, chẳng hạn như sóng nhiệt, lũ lụt và cháy rừng, giống như những hiện tượng đang quét qua Atlantic Canada, để biết được lượng nhiệt độ tối đa hàng ngày đã tăng lên như thế nào trên đất liền. Nhiệt độ này đang tăng nhanh gấp đôi so với nhiệt độ trung bình – và đã cao hơn 1,74°C so với những năm 1800.
Race To Zero
Để cứu Trái Đất, Liên Hợp Quốc đã ra chiến dịch “Race To Zero” (tạm hiểu là cuộc đua để đưa Trái Đất đạt mức phát thải ròng bằng 0 chậm nhất vào năm 2050), nhằm tập hợp sự lãnh đạo và hỗ trợ từ các doanh nghiệp, thành phố, khu vực, nhà đầu tư, cá nhân để có những biện pháp hữu hiệu cứu hành tinh đang lên “cơn sốt” trước khi quá muộn.
Có thể nói, “Race To Zero” là một nỗ lực tập thể trên toàn thế giới đang được tiến hành để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và đạt được mức 0 ròng vào năm 2050.
Hiện nay, từ các nhà bán lẻ thời trang đến những gã khổng lồ công nghệ, đang tích hợp những nỗ lực này vào các chiến lược cốt lõi của họ để cứu Trái Đất.
Đơn cử,
Microsoft: Đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi khí hậu công bằng thông qua cam kết kép về Net Zero và công bằng khí hậu. Microsoft đã hợp tác với Sol Systems (Công ty năng lượng mặt trời tại Washington, DC, Mỹ) để đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Unilever: Vận động hành lang phù hợp với chính sách khí hậu. Unilever cam kết đảm bảo rằng tất cả các hoạt động vận động hành lang trực tiếp liên quan đến chính sách khí hậu đều nhất quán với các mục tiêu đã nêu của họ trong việc thực hiện tham vọng 1,5°C của Thỏa thuận Paris.
Các nhà khoa học hy vọng, các quốc gia, doanh nghiệp, thành phố, khu vực, nhà đầu tư, cá nhân sẽ chung tay hành động vì Trái Đất, vì chính chúng ta và tương lai của chúng ta!
Trang Ly (Bài viết sử dụng các nguồn: Geographical, New York Times, Sciencealert, AP)