Kiện tụng khí hậu lan rộng ra nhiều lĩnh vực
Kể từ khi Thỏa thuận Paris ký kết vào năm 2015, có tổng cộng 230 vụ kiện liên quan đến khí hậu chống lại các tập đoàn và hiệp hội doanh nghiệp, theo báo cáo hôm 27/6 của Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường thuộc Trường Kinh tế London. 2/3 trong số này được phát động kể từ năm 2020.
“Các vụ kiện chống lại các công ty trước đây thường tập trung vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, nhưng giờ đây lan rộng sang các lĩnh vực khác, gồm hàng không, thực phẩm và đồ uống, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính”, báo cáo cho biết.
Phán quyết của tòa án ở The Hague (Hà Lan) vào năm 2021 chống lại tập đoàn dầu khí Shell đã trở thành cột mốc quan trọng trong làn sóng kiện tụng về khí hậu. Cho rằng Shell phải chịu một phần trách nhiệm cho biến đổi khí hậu, tòa yêu cầu tập đoàn này giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Mức giảm 45% cao hơn mục tiêu giảm 20% khí thải carbon vào năm 2030 mà Shell đặt ra.
Đơn kiện yêu cầu Shell giảm khí thải được 7 tổ chức vận động bảo vệ môi trường, thay mặt cho 17.200 công dân Hà Lan nộp ra tòa hồi tháng 4/2019. Phán quyết trên đặt ra một tiền lệ pháp lý có thể gây áp lực mới đối với các “ông lớn” dầu khí trên toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ chính phủ và các nhà đầu tư.
Làn sóng kiện “tẩy rửa xanh”
Trong khi đó, các cáo buộc về “tẩy rửa xanh” là trọng tâm trong các vụ kiện và khiếu nại gần đây hướng tới các công ty đa quốc gia. Theo báo cáo, các vụ kiện chống lại các công ty chỉ chiếm chưa đến 1/10 trong tổng số 2.666 vụ kiện khí hậu trên toàn thế giới cho đến nay. Các chính phủ thường là bị đơn trong các vụ kiện khí hậu. Tuy nhiên, riêng năm 2023, các vụ kiện hướng đến các công ty chiếm 1/4 trong số 233 vụ kiện khí hậu được khởi xướng trên thế giới. Trong số này, có tới 47 vụ kiện “tẩy rửa xanh” nhắm vào các công ty và chính phủ.
Cũng theo báo cáo, 77 trong khoảng 140 vụ kiện “tẩy rửa xanh” được xét xử trong giai đoạn 2016-2023 đã có phán quyết. Các tòa án đã phán quyết có lợi cho nguyên đơn trong 55 vụ kiện.
Năm ngoái, Cơ quan quản lý tiêu chuẩn quảng cáo Anh (ASA) cấm 3 hãng hàng không Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) và Etihad Airways (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) tung ra các chiến dịch quảng cáo nói rằng bay với họ sẽ giúp bảo vệ môi trường. Trong một vụ kiện khác, tòa án ở Áo kết luận rằng, quảng cáo về chuyến bay trung hòa carbon, sử dụng 100% nhiên liệu bền vững giữa Vienna (Áo) và Venice (Ý) của hãng hàng không Austrian Airlines gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hôm 27/6, một tòa án án ở Đức đã ra phán quyết phản bác quảng cáo của hãng bánh kẹo Katjes cho rằng, hoạt động sản xuất kẹo cao su trái cây của hãng là “trung hòa khí hậu”, tức không làm tăng khí thải nhà kính ra khí quyển. Katjes lập luận, các dự án bảo vệ môi trường mà hãng tài trợ giúp bù đắp lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất kẹo cao su. Nhưng các thẩm phán cho rằng, việc bù đắp lượng phát thải không có nghĩa là đạt được “ trung hòa khí hậu”.
Kiện tụng thúc đẩy hay cản trở hành động khí hậu?
Nhiều vụ kiện khí hậu dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền để khắc phục hậu quả” hoặc tìm cách “tắt vòi” đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.
Tháng 9 năm ngoái, chính quyền bang California ở Mỹ đóng vai trò nguyên đơn, kiện 5 tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới (Exxon Mobil, Shell, Chevron, ConocoPhillips, và BP) yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường. Đơn kiện cáo buộc lượng phát thải khí nhà kính của họ làm biến đổi khí hậu, dẫn đến ô nhiễm không khí, cháy rừng, làn sóng nhiệt, hạn hán kỷ lục, gây thiệt hại cho bang này hàng tỉ đô la Mỹ. Đơn kiện cũng quy kết họ đánh lừa công chúng bằng các chiến dịch tiếp thị hạ thấp rủi ro môi trường của nhiên liệu hóa thạch.
Kiện tụng là một phần quan trọng trong các công cụ buộc các công ty và chính phủ phải giải trình những cam kết về khí hậu và thúc đẩy hành động nhằm làm chậm tình trạng nóng lên toàn cầu. Các phán quyết có lợi cho nguyên đơn có thể có tác động sâu rộng vượt xa khuôn khổ một vụ kiện cụ thể. Báo cáo hồi năm ngoái của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Trung tâm Luật Biến đổi khí hậu Sabin của Đại học Columbia (Mỹ) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kiện tụng để thúc đẩy hành động khí hậu trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo Catherine Higham và Joanna Setzer, hai tác giả của báo cáo trên, vẫn khó xác định các vụ kiện tụng khí hậu đang thúc đẩy hay cản trở hành động về khí hậu. Thực tế, nhiều công ty hiện nay đang thận trọng hơn khi đưa ra các tuyên bố bảo vệ khí hậu vì lo ngại cáo buộc “tẩy rửa xanh”.
Lê Linh (Theo Bloomberg, AFP)