Sau khi ghi nhận những hiểm họa tự nhiên ngày càng tăng, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) đã công bố bản báo cáo “Hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại”, thể hiện bức tranh biến đổi khí hậu toàn cầu trong gần 1 thập kỷ.
Báo cáo tổng hợp của IPCC đề cập đến những phát hiện của 6 báo cáo chính kể từ năm 2018, từ đó, cảnh báo về những thách thức to lớn mà nhân loại đã và đang phải đối mặt do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiều thảm họa thời tiết kỷ lục và mực nước biển dâng nhanh.
“Hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại” cũng đưa ra những phương án khả thi và hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Báo cáo của IPCC đã chỉ ra cách tháo gỡ quả bom hẹn giờ khí hậu, đây thực sự là một hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại” – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định.
IPCC cho biết, nhiệm vụ đầu tiên mà con người cần phải tiến hành là cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ này để giới hạn sự nóng lên trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Nếu nhiệt độ trái đất tăng vượt mức 1,5 độ C, nhân loại có nguy cơ phải hứng chịu các tác động nguy hiểm liên quan đến khí hậu.
“Hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại” cũng nhấn mạnh vấn đề cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ xanh và các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương thì việc đầu tư càng trở nên quan trọng bởi nó mang đến hiệu quả lâu dài, giảm thiệt hại và mất mát cho con người.
Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển và đang phát triển cũng được nhắc nhở về việc tăng cường kế hoạch tăng cường xây dựng công trình hiệu quả về năng lượng, sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng và hạn chế lãng phí thực phẩm.
Trong khi kinh phí đầu tư vào năng lượng xanh ngày càng tăng thì nhiều quốc gia lại phải đối mặt với vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng. Thêm áp lực, các quốc gia sản xuất dầu khí sẽ cố gắng kiếm tiền từ tăng trưởng năng lượng toàn cầu bất chấp lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc tập trung vào tăng trưởng năng lượng xanh.
Báo cáo của IPCC cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng các thỏa thuận chung khi đề cập đến cuộc đàm phán về khí hậu COP 28 của Liên Hợp Quốc tại Dubai vào cuối năm 2023. Tại đây, các quốc gia sẽ phải chịu áp lực và tăng cường đáng kể các cam kết cắt giảm khí thải, đồng thời đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
“Báo cáo ‘Hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại’ rất quan trọng vì đây là đánh giá khoa học toàn diện cuối cùng về biến đổi khí hậu của IPCC trong vòng 5-6 năm tới. Đến lúc đó, chúng ta sẽ biết liệu mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính năm 2030 trên con đường tiến tới mức không phát thải thuần năm 2050 có thể đạt được hay không” – Phó giáo sư khoa học, công nghệ và xã hội Winston Chow tại Đại học Quản lý Singapore nhận định.
Phát biểu tại buổi họp ra mắt báo cáo, Chủ tịch IPCC, tiến sĩ Hoesung Lee cho biết, mỗi quốc gia cần huy động kinh phí gấp 3 đến 6 lần số tiền tài trợ hiện tại để đưa thế giới vào con đường hướng tới một tương lai an toàn, công bằng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Thảo Phương