Tại hội thảo “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, do báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11, TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay chúng ta đang ở trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển mình sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5 (công nghiệp xanh).
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chơi thương mại và đầu tư toàn cầu nên phải có cách nhìn và cách tiếp cận không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ.
“Liệu ông Trump có thể thay đổi, đảo ngược yêu cầu cam kết giảm phát thải toàn cầu, các cam kết phát triển bền vững toàn cầu? Tôi khẳng định là không”, ông Thọ nhấn mạnh tại phiên tọa đàm, liên quan đến câu hỏi “trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, liệu các cam kết về phát thải, phát triển bền vững có bị thay đổi hoặc đảo ngược hay không, đặc biệt khi tổng thống tái đắc cử Donald Trump không phải là người tin vào biến đổi khí hậu”.
Theo vị này, Liên minh châu Âu đã ban hành các quy định bắt buộc về báo cáo phát triển bền vững cho tất cả công ty niêm yết từ tháng 1/2023; từ tháng 6/2024, các quốc gia thành viên EU chính thức thể chế hóa và áp dụng quy định này.
“Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD và trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời nằm trong top 20 quốc gia có lượng giảm phát thải lớn nhất toàn cầu. Các yêu cầu về giảm phát thải và báo cáo phát triển bền vững đòi hỏi toàn bộ chuỗi cung ứng và hệ thống của chúng ta phải tuân thủ. Nếu không thực hiện được, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi thương mại và đầu tư”, ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, những người ủng hộ ông Trump như Elon Musk vẫn đang thúc đẩy xe điện, trong khi các công ty lớn nhất tại Mỹ như Apple, Intel… đều đưa ra các chính sách liên quan đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Ông tin rằng, năm 2026 sẽ là thời điểm để thay đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, số hóa và bền vững toàn cầu.
“Áp lực hiện nay về chuyển đổi xanh và số hóa cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện tốt các cam kết, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu về phát thải. Nếu chuyển đổi chậm, chi phí sẽ cao và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ giảm. Do đó, cần có lộ trình rõ ràng và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, phù hợp với thị trường mục tiêu mà chúng ta hướng tới”, ông Thọ lưu ý.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển bền vững, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cho biết, khi công ty đưa ra chiến lược ESG, các hoạt động cụ thể được phân định rõ nhắm đến các mục tiêu lớn về môi trường, xã hội và quản trị. ESG cũng giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro và cơ hội về ba khía cạnh này.
Theo bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), việc chuyển đổi sang sản xuất xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu và giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, các xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra áp lực lớn, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng đến việc sử dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về một tương lai bền vững.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, đồng thời giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường. Thị trường tiêu dùng xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ đến năm 2030 và xa hơn, với những giải pháp bền vững và công nghệ tiên tiến ngày càng chiếm lĩnh xu hướng toàn cầu.
Hồng Khanh