Cần đưa ra các chế tài với những doanh nghiệp và người vi phạm liên quan đến điện lực; đồng thời có cơ chế -chính sách thuận lợi để thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển năng lượng…
Thông tin trên được ghi nhận tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại TPHCM chiều 6/9.
Cần quy định các hình phạt nếu vi phạm
Theo luật sư Nguyễn Văn Bình, Luật Điện lực (ban hành 2004) và dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào các quy định chính sách và nguyên tắc hoạt động mà thiếu sự cụ thể về các chế tài xử lý vi phạm. Điều này dẫn đến những người vi phạm sẽ không phải chịu hậu quả pháp lý rõ ràng, làm giảm hiệu quả điều chỉnh của luật.
Cụ thể, Luật không đưa ra chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp nếu không tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường hay sử dụng năng lượng hiệu quả.
Hay Luật quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn điện lực, nhưng lại không có quy định cụ thể về hình thức xử phạt đối với những vi phạm về an toàn điện trong nhiều trường hợp. Thay vào đó, luật chỉ đề cập đến trách nhiệm chung mà không kèm theo các chế tài đủ mạnh để răn đe.
Tương tự, Luật nêu các chủ trương về việc quản lý và giám sát hoạt động điện lực, nhưng việc chế tài xử lý khi có sai phạm trong quá trình thực hiện các chính sách này không được quy định rõ ràng.
“Việc thiếu vắng các chế tài cụ thể trong Luật Điện lực có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các vi phạm trong thực tế. Các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn khi xử lý vi phạm do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng về hình thức xử phạt. Khi luật không có chế tài, sẽ tạo ra lỗ hổng trong việc xử lý các tranh chấp hoặc vi phạm”, ông Bình nói.
Để khắc phục sơ sót này, theo ông, cần bổ sung chế tài xử phạt cụ thể vào luật, bao gồm mức phạt tài chính, các biện pháp hành chính, hình sự, hoặc các biện pháp cưỡng chế khác. Đơn cử, quy định cụ thể về mức phạt tiền hoặc hình thức xử lý đối với các hành vi như vi phạm an toàn điện, gây mất điện diện rộng, hoặc lạm dụng quyền lực trong ngành điện.
Ông Bình cũng kiến nghị đưa vào quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm. Đó là nếu doanh nghiệp cung cấp điện gây ra thiệt hại cho người dân do vi phạm các quy định về an toàn điện, thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo mức được quy định rõ ràng trong luật.
“Nếu có quy định rõ ràng về việc xử phạt các hành vi lạm dụng trong việc bán điện hay cắt điện không thông báo trước, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng có cơ sở pháp lý để xử phạt doanh nghiệp vi phạm, giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…”, ông Bình nói.
Cần có cơ chế cho tư nhân tham gia phát triển
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện…
Quan tâm đến phát triển điện mặt trời mái nhà, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu và hệ thống lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng.
Do đó, các ý kiến đề xuất cơ quan soạn thảo cần có chính sách rõ ràng về năng lượng này. Trong đó, phân rõ cấp độ đối với hệ thống mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản – tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính.
Đồng thời, cần nhấn mạnh hơn về việc hợp tác đa bên dành cho điện mặt trời mái nhà. Dự thảo đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng theo ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Phong Energy, cần bổ sung các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển dịch xanh.
Ngoài ra, việc chi tiết hoá các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng nhu cầu về điện đang rất cấp bách và cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân nà nước ngoài vào phát triển năng lượng.
Về vấn đề này, theo luật sư Cao Trần Nghĩa, Công Ty Luật Nishimura & Asahi Việt Nam, một trong những vấn đề mà khách hàng thường hay yêu cầu công ty tư vấn là về tính khả thi cấp vốn của các dự án năng lượng.
Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, theo ông, cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo năng lực vận hành của bên mua điện, cũng như khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy các giao dịch tài trợ vốn cho dự án.
“Nếu được phép áp dụng pháp luật quốc tế, nhiều nhà đầu tư quốc tế sẽ quan tâm hơn khi nói đến thị trường điện Việt Nam. Hay Luật sửa đổi cần có cơ chế bảo lãnh từ Nhà nước để nhà đầu tư yên tâm hơn trong các hợp đồng dài hạn với EVN”, ông Nghĩa nói.
Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cảnh báo về nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách giá điện. Việc điều chỉnh giá điện theo thị trường sẽ tạo động lực thúc đẩy đầu tư, thu hút thêm vốn nước ngoài và giúp các dự án điện mới triển khai nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, các ý kiến đề xuất nên chia tách EVN thành nhiều tập đoàn để tạo ra sự cạnh tranh, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá điện hơn.
Lê Hoàng