Qua mô hình sáng chế máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn của ông Nguyễn Tuấn Anh (kỹ sư cơ khí, 51 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), rác thải hữu cơ trong sinh hoạt đã trở thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.
Máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn với thiết kế gọn, nhẹ, phù hợp xử lý rác hữu cơ quy mô nhỏ tại siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, cụm dân cư cũng như trong mỗi gia đình.
Máy có cấu tạo đơn giản, gồm: Thùng chứa, hệ thống nghiền nát, phun men vi sinh, đảo trộn, tách nước… Rác hữu cơ sau khi được cho vào máy sẽ được nghiền nát, trộn đều với các chế phẩm vi sinh và được tách phần bã riêng, dung dịch nước riêng.
Sau đó, dung dịch nước sẽ cho vào bể hoặc thùng ủ trong 30 ngày để trở thành phân bón dạng nước. Quá trình ủ được diễn ra trong môi trường yếm khí, giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy và tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh.
Phần bã sau khi nghiền nát và trộn men vi sinh sẽ được cho vào khay gồm một bên là bã rác, một bên là sinh khối trùn quế.
Đây vừa là thức ăn cho trùn quế, vừa là giải pháp nhằm phân hủy rác bằng vi sinh giúp hạn chế mùi hôi và quá trình phân hủy diễn ra được nhanh hơn, bảo vệ môi trường xung quanh.
Nhà thờ Giáo xứ Biên Hòa (phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) đang sử dụng một máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Trung bình mỗi ngày, các thành viên trong nhà thờ tự xử lý khoảng 20kg rác hữu cơ các loại.
Việc vận hành thiết bị khá đơn giản, tiện lợi, chỉ cần một góc sân nhỏ để làm khu xử lý rác. Đặc biệt, việc ủ phân tại chỗ không gây mùi hôi nên phù hợp thực hiện trong khu dân cư, thành thị.
Linh mục Phaolo Phạm Trung Hiếu, Giáo xứ Biên Hòa cho biết mỗi ngày, nhà thờ có số lượng rác thải hữu cơ rất lớn.
Trước đây, tất cả rác thải đều được công ty vệ sinh môi trường thu gom. Việc phân loại rác tại nguồn trước đó đều được thực hiện nhưng hầu như không có hiệu quả do rác hữu cơ, rác vô cơ đều trộn chung trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Theo linh mục Phaolo Phạm Trung Hiếu, gần đây, nhà thờ được ông Nguyễn Tuấn Anh hỗ trợ một máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn để thử nghiệm, tự xử lý rác, nhờ đó giảm được nguồn rác thải rất lớn ra môi trường.
Linh mục Phaolo Phạm Trung Hiếu mong muốn mô hình này được nhân rộng, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường, xây dựng một thành phố văn minh, sạch đẹp. Nguồn phân hữu cơ làm từ rác được nhà thờ sử dụng để chăm sóc cây trồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nhiều năm qua, chứng kiến thực trạng rác thải hữu cơ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông dân cư, là một kỹ sư cơ khí, ông luôn trăn trở, tìm kiếm giải pháp xử lý hiệu quả.
“Rác thải hữu cơ nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Muốn có được môi trường sống xanh-sạch-đẹp, trước mắt phải xử lý được rác thải một cách hiệu quả nhất, phải tìm cách biến thứ bỏ đi thành nguồn tài nguyên quý giá,” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Hơn 5 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm ở nhiều nơi, ông Tuấn Anh đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Ông Tuấn Anh cho biết máy có khả năng xử lý 30kg rác mỗi giờ, giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường và cung cấp nguồn phân bón tự nhiên cho cây trồng.
Ưu điểm của máy là có thể ứng dụng tại các địa điểm khác nhau như trong gia đình, nhà hàng, khu du lịch, doanh nghiệp, trường học…
Theo ông Tuấn Anh, với chi phí sản xuất chưa đến 60 triệu đồng, máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn này đã góp phần giải quyết bài toán rác thải hữu cơ và bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Đây là một giải pháp thiết thực góp phần bảo vệ môi trường theo đúng định hướng “Net Zero” (mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0) mà tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu vào năm 2050.
Máy xử lý rác thành phân bón hữu cơ của ông Nguyễn Tuấn Anh đã được đánh giá cao bởi các chuyên gia và được trao bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho thiết bị xử lý rác do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp./.
Lê Xuân