Quy luật thiết lập giá cả của một mặt hàng luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản, giá bán của một sản phẩm phải đủ để bù đắp các chi phí sản xuất, trả các loại thuế cho nhà nước và đảm bảo một lợi nhuận tối thiểu cho nhà đầu tư. Khi giá bán không thể bù đắp được chi phí, tình trạng thua lỗ sẽ xuất hiện. Đơn cử là giá của một chiếc ô tô sẽ được tính toán sao cho, với một số lượng bán ra nhất định trong một khoảng thời gian sản xuất cố định, nhà sản xuất có thể thu hồi đủ chi phí như đầu tư nhà xưởng, nhân công, nguyên liệu, quản lý, thuế và thu về một khoản lợi nhuận nhất định. Như vậy, nếu các thành phần chi phí cao thì giá thành ô tô cao và ngược lại.
Vì điện cũng là một mặt hàng
Tương tự, giá điện cho người tiêu dùng cũng bao gồm toàn bộ chi phí trong chuỗi cung ứng, từ thuế đến lợi nhuận tối thiểu. Cụ thể, giá điện bán lẻ bao gồm các chi phí từ nguồn điện, truyền tải, phân phối đến bán lẻ.
Với nguồn điện, chi phí bao gồm đầu tư ban đầu, khấu hao, nhiên liệu (đối với các nhà máy nhiệt điện), vận hành bảo dưỡng. Riêng đối với nhà máy năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời không có chi phí nhiên liệu.
Hệ thống truyền tải và phân phối điện gồm đường dây và trạm biến áp cũng gồm tài sản cố định, khấu hao và vận hành bảo dưỡng, đặc biệt là chi phí tổn thất khi truyền tải điện đi xa, thường mất đi khoảng 6-7%(1). Đối với điện mặt trời áp mái (là các nguồn phân tán) chi phí tổn thất này gần như bằng không.
Một thành phần chi phí khác là chi phí bán lẻ với tỷ lệ nhỏ hơn, bao gồm chi phí đo đếm và thu tiền bán điện. Ngoài ra, khi vận hành hệ thống, còn phải tính đến chi phí điều hành và các dịch vụ phụ trợ để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định.
Giá điện có thể so sánh cao thấp giữa các quốc gia không?
Chính vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên việc so sánh giá điện giữa các quốc gia là một quá trình phức tạp và không thể thực hiện dựa trên một tiêu chí chung. Giá điện phản ánh chi phí sản xuất và cung ứng, cùng với những chi phí này thay đổi rõ rệt giữa các quốc gia do sự khác biệt về cơ cấu nguồn điện, như tỷ lệ khác nhau về thủy điện, than, khí, năng lượng tái tạo, dầu… Ví dụ, ở Singapore phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện khí, chiếm đến 94% tổng sản lượng phát điện, trong khi Lào tận dụng ưu thế của thủy điện với chi phí thấp hơn nên có giá bán rẻ hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành giá điện. Số lượng và chiều dài của đường dây truyền tải, trạm biến áp, cũng như địa hình và mật độ dân cư, ảnh hưởng đến chi phí truyền tải và phân phối. Hơn nữa, hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, bao gồm VAT và thuế môi trường, cũng góp phần làm tăng chi phí sản xuất và phân phối điện. Do đó, việc so sánh giá điện giữa các quốc gia là không thể, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về ngành năng lượng, chính sách của mỗi quốc gia, cũng như xét tới nhiều yếu tố khác.
Nguồn điện: yếu tố góp phần lớn trong thành phần giá điện
Do người dân có thu nhập thấp nên giá điện phải thấp? Giá điện thường không liên kết trực tiếp với mức thu nhập của người dân. Quá trình xác định giá điện dựa vào chi phí sản xuất và cung ứng, không phụ thuộc vào thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức tiêu thụ điện thường phản ánh thu nhập của các hộ gia đình. Hộ gia đình có thu nhập cao thường sử dụng nhiều thiết bị điện và tiêu thụ nhiều điện hơn. Dù giá điện không dựa trên thu nhập, nhưng việc thiết kế giá thường tính đến hỗ trợ cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Có thể thông qua việc áp dụng giá điện thấp cho các hộ tiêu thụ ít điện, giúp giảm gánh nặng tài chính. Các biện pháp hỗ trợ này thường do quỹ hỗ trợ độc lập từ chính phủ hoặc thiết kế giá bù trừ chéo, nơi giá thấp được bù đắp bởi giá cao hơn từ nhóm khách hàng khác. Mô hình này phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang áp dụng.
Giá điện bán lẻ chủ yếu dựa vào chi phí từ chuỗi sản xuất và cung ứng, đối với Việt Nam hiện nay chi phí nguồn điện chiếm hơn 80%, các chi phí truyền tải và phân phối khoảng 20%. Do đó, việc giữ giá điện ổn định và hợp lý yêu cầu việc tối ưu hóa các chi phí liên quan, từ khâu nguồn đến truyền tải, phân phối và bán lẻ. Trong đó, nguồn điện là yếu tố quan trọng trong cơ cấu chi phí hình thành nên giá điện.
Do đó, để có giá điện rẻ nhất, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tôi cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong thiết kế, tổ hợp vận hành các loại nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia. Xây dựng hệ thống truyền tải và lựa chọn tổ hợp nguồn điện sao cho vừa đảm bảo đủ công suất phát điện theo nhu cầu sử dụng, sản xuất vừa đáp ứng xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh, nhưng với điều kiện có tổng chi phí thấp nhất, tổ hợp nguồn có tổng chi phí cao sẽ hình thành giá điện bán lẻ cao và ngược lại. Ngoài ra, một biện pháp nhằm giảm chi phí để giảm giá điện là việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, với nhiều lựa chọn cho cả người bán và người mua, đặc biệt người mua sử dụng điện đầu cuối sẽ là chìa khóa để đạt được một mức giá điện hợp lý, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống xã hội.
Phan Công Tiến – Chuyên gia nghiên cứu về thị trường điện và năng lượng tái tạo