Với việc ứng dụng công nghệ ngày càng mở rộng trên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, thành phố thông minh là một giải pháp không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững, tạo môi trường sống hiện đại và an toàn.
Mô hình thành phố thông minh mang lại khả năng kết nối các yếu tố xã hội, kinh tế, trong đó công nghệ là điểm mạnh đem lại sức hút cho môi trường sống đô thị tương lai.
Mục tiêu tăng trưởng bền vững
Khái niệm thành phố thông minh được hiểu là các thành phố sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả tăng trưởng và phúc lợi cho các cá nhân và tổ chức. Những thành phố loại này đang phát triển trên toàn cầu và trở thành công cụ giúp đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.
Thứ nhất, thành phố thông minh có thể giúp làm giảm nhu cầu lao động thủ công ở hàng chục lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ để thu thập dữ liệu sẽ đem lại hiệu quả làm việc tập trung hơn. Sự cải thiện và tập trung có nghĩa là mọi người có nhiều khả năng tham gia vào các dịch vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Chẳng hạn các cuộc họp có thể được tổ chức thường xuyên hơn thông qua phòng họp trực tuyến, với số lượng người tham dự nhiều hơn mà không bị cản trở bởi ùn tắc giao thông, làm mất thời gian.
Hơn nữa, thành phố thông minh có thể cung cấp dữ liệu thực tế để mọi người có chất lượng cuộc sống tốt hơn, như hệ thống ứng phó khẩn cấp có thể cảnh báo về thời tiết xấu hoặc những tai nạn ngay lập tức và phủ rộng. Dữ liệu cũng có thể làm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như kết nối y tế từ xa.
Mục tiêu không phát thải
Một ưu thế nổi trội của mô hình thành phố thông minh, đó là khả năng giảm phát thải, hỗ trợ bảo vệ môi trường. Ví dụ điển hình nhất là Copenhagen của Đan Mạch, nơi đã công bố kế hoạch trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Nhờ vị trí địa lý rất nhiều gió tự nhiên, thành phố này đã xây dựng các tua-bin gió để cung cấp 22% lượng điện năng tiêu thụ của thành phố và có kế hoạch tăng lên 50% năng lượng tái tạo trong ba năm tới.
Copenhagen cũng đang xem xét lại cơ sở hạ tầng và hệ thống sưởi, yêu cầu đưa vấn đề mái nhà xanh (bổ sung thảm thực vật và đất trên mái nhà) trở thành một phần của quy hoạch kiến trúc, sử dụng nhiệt thải từ các nhà máy điện và các nguồn khác, đồng thời lập các làn đường giao thông cho phép 62% cư dân đi lại bằng xe đạp.
Các thành phố khác như Zurich của Thụy Sỹ, Madrid của Tây Ban Nha và Canberra của Australia đều đang có những bước tiến lớn hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tại nước Mỹ, các thành phố như Berkeley, San Diego và San Jose của bang California đang được biết đến nhờ những nỗ lực về khí hậu, bao gồm việc đưa ra các cam kết liên quan đến xe điện, khí thải và năng lượng.
Tiềm năng phát triển doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ các thành phố thông minh hình thành và phát triển. Đây là nguồn xúc tiến các công nghệ, cũng như quy trình mới từ đó đưa ứng dụng công nghệ tại các thành phố phát triển và thân thiện với môi trường hơn.
Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ nhận được lợi nhuận trở lại, bao gồm giảm chi phí kinh doanh, danh tiếng được nâng cao với những khách hàng coi trọng việc phát triển xanh. Đồng thời các doanh nghiệp cũng có thể đưa ra những chiến lược tốt hơn để tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, dưới sự ủng hộ của các nhà chức trách quản lý tại các thành phố thông minh.
Các tổ chức phi lợi nhuận cũng là những “đối thủ nặng ký” trong việc đưa thành phố thông minh trở thành hiện thực. Họ có thể cung cấp nền tảng giáo dục và đào tạo bền vững, cũng như bao gồm cả việc hướng dẫn các cá nhân và tổ chức cách thích nghi với điều kiện môi trường mới.
Do đó, chúng ta cần nhìn nhận đúng về vai trò quan trọng của các thành phố thông minh. Mô hình này có thể mở đường cho sự phát triển bền vững của thế giới trong tương lai.
Vân Anh (Theo Entrepreneur)